Nét đẹp hôn nhân của người M’nông

Mỹ Hằng| 12/10/2018 09:37

Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, người M’nông trên địa bàn tỉnh có hôn nhân truyền thống rất đặc biệt. Đồng bào quan niệm trong đời người quan trọng nhất là hôn nhân nên tục lệ có sự chuẩn mực riêng mà không phải dân tộc nào cũng có.

ADQuảng cáo

Người M’nông cho rằng, việc nam nữ đến tuổi lập gia đình là sự tự nguyện, không có sự ép buộc hay bán gả. Để đi đến hôn nhân, các cặp đôi phải trải qua 3 bước gồm: Lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới. Theo đó, sau khi đôi nam nữ thanh niên đã tìm hiểu, có nhu cầu tiến tới hôn nhân và trình bày với cha mẹ để nhờ mai mối đến nhà gái để ngỏ lời cho con trai mình. Lễ vật của lễ dạm ngõ gồm hai ống nứa đựng măng chua và da trâu thái nhỏ, kèm theo một chiếc vòng bằng đồng hoặc bằng bạc.

Sau khi được nhà gái đồng ý thì nhà trai về chuẩn bị cho cô dâu các lễ vật cần thiết để làm lễ ăn hỏi như 1 con lợn béo, 1 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con dao, 1 chiếc lao, 1 chiếc vòng đeo tay, 1 xâu hạt cườm đeo cổ, 1 chiếc lược bằng sừng trâu và 1 cái kẹp tóc bằng đồng có gắn lông chim. Đến nhà gái, nhà trai xin phép hỏi vợ cho con trai mình và người làm mối bên nhà trai đeo chuỗi cườm cho cô gái và đeo 1 vòng đồng vào cổ tay chàng trai. Với nghi thức này, cả hai bên gia đình đã công nhận đôi trai gái đã là vợ chồng. Nhà gái làm lễ báo với thần linh, ông bà tổ tiên là giờ đây đôi trẻ đã trở thành người một nhà như “chim có đôi”, “bếp đã có mồi” không thể chia lìa được. Sau đó cả hai gia đình cùng nhau uống rượu cần và bàn lễ cưới cho đôi trẻ.

Chị Thị Ai ở bon Bu Koh, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) chuẩn bị váy, khố thổ cẩm để tặng cho nhà trai khi con gái cưới chồng

Lễ cưới của người M’nông thường được tổ chức bên nhà gái khoảng một tuần, hoặc có thể kéo dài 1-2 năm sau lễ ăn hỏi. Lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái gồm 1 con lợn hoặc 1 con trâu, 3 ché rượu cần và 2 cái ché không. Còn bên nhà gái phải chịu gạo đãi khách trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới cùng với 1 gùi gạo nếp và 2 ché rượu. Đặc biệt, để đáp lại các lễ vật mà nhà trai đưa đến, nhà gái phải chuẩn bị quà cưới cho các thành viên thân cận của nhà trai gồm váy, khố, túi xách truyền thống…

ADQuảng cáo

Trước khi bước vào lễ cưới, ông mối tuyên bố hôn lễ, sau đó nhà gái giết trâu, người chủ lễ lấy máu trâu quết lên nơi thờ tổ tiên nhà gái để thông báo cho những người đã khuất rằng con cháu của họ đã lấy chồng và cầu mong tổ tiên phù hộ được hạnh phúc, sum vầy. Khi cô dâu chú rể đang uống rượu mừng thì cha mẹ hoặc chủ lễ trùm chiếc khăn to lên đầu 2 người và đôi vợ chồng sẽ uống đủ 4 ống rượu cần, sau đó mời cha mẹ, các già làng cùng uống chung vui. Cha mẹ, già làng và những người lớn tuổi lần lượt giáo dục, răn dạy đôi vợ chồng trẻ về cách đối nhân xử thế trong hôn nhân cũng như cách phát triển kinh tế để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Các sản phẩm thổ cẩm là quà cưới của nhà gái dành cho các thành viên nhà trai trong lễ cưới truyền thống

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi nên hôn nhân truyền thống của người M’nông đã đơn giản hơn, với việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi. Các tục thách cưới cũng như lễ vật đi kèm theo từng nghi thức cũng đã giảm thiểu, thậm chí được xóa bỏ. Tại các lễ cưới, các đôi nam nữ mặc trang phục truyền thống của dân tộc, được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm… Đặc biệt, vài năm trở lại đây, với sự giao thoa văn hóa vùng miền nên hôn nhân của người M’nông không còn đơn thuần trong đồng tộc nữa mà có sự kết hôn giữa người M’nông và các dân tộc khác như Kinh, Ê đê, Tày… Các gia đình cũng chuẩn bị của hồi môn cho con gái một cách đầy đủ với những trang thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt. Tại lễ cưới, cả hai bên gia đình cùng cộng đồng đều chúc phúc, cầu mong cho đôi trai gái có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chị Thị Ai ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cho biết: “Từ xa xưa, phụ nữ M’nông vốn dĩ siêng năng, cần mẫn. Từ khi còn bé, các cô gái đã được các bà, các mẹ chỉ dạy cho việc dệt thổ cẩm cũng như lo cơm nước cho cả nhà. Bởi vậy, trong gia đình người M’nông luôn dành cho con gái sự yêu thương đặc biệt. Tôi có 4 người con gái và đứa nào lấy chồng, tôi cũng chuẩn bị chu đáo, từ những món quà cưới đến sính lễ theo đúng phong tục cổ truyền”. Ông Điểu Nơi ở bon Jiêng Ngaih, xã Đắk R’tíh cũng chia sẻ: “Hôn nhân là chuyện hệ trọng của một đời người nên dù cuộc sống có khó khăn thì chúng tôi cũng cố gắng lo lắng cho con cái. Tuy nhiên, hiện nay thực hiện nếp sống mới, việc tổ chức cưới hỏi của đồng bào M'nông đã đơn giản hơn, không còn cảnh thách cưới nặng nề, đãi đằng dài ngày tốn kém và nhà nào cũng chỉ mong con cái có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc là vui lắm rồi”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp hôn nhân của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO