Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang

Nguyễn Hồng (t.h)| 25/06/2021 08:45

Thốt nốt là cây đặc trưng gắn liền với đời sống của người dân An Giang. Đến An Giang, ấn tượng khó quên trong lòng du khách là hình ảnh những hàng cây thốt nốt vút cao với những người nhanh nhẹn trèo lên đọt cây hứng từng giọt nước ngọt lịm vào những ống tre.

ADQuảng cáo

Chuyện làm đường thốt nốt

Người Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên lớn lên đã thân quen với mùi thơm bốc lên từ những lò đường. Người ta coi đường thốt nốt là đặc sản của địa phương, và người Khmer nơi đây xem đó là món quà quý của trời đất. Nhiều gia đình tiếp nối truyền thống nghề nấu đường từ đời nọ sang đời kia.

Nấu đường thốt nốt

Câu chuyện làm ra đường từ cây thốt nốt này là cả một huyền thoại được đồng bào Kh'mer truyền tụng qua nhiều đời. Chuyện kể rằng, có một người nông dân chăn bò nằm nghỉ trưa dưới cây thốt nốt. Đang thiu thỉu ngủ, bỗng ông giật mình tỉnh giấc vì có một giọt nước ngọt lịm từ trên cao rơi xuống ngay miệng mình.

Ông lồm cồm ngồi dậy dáo dác nhìn quanh vẫn không phát hiện được điều gì. Tò mò ông trèo lên cây xem thử mới biết rằng những giọt nước vừa rơi xuống xuất phát từ đọt của cây thốt nốt bị gãy ngang. Ông vội vàng mang ống tre đựng nước uống của mình lên hứng những giọt nước đó đem về nhà khoe với vợ con. Do nước thốt nốt để lâu ngày sẽ bị lên men chua không dùng được nên đồng bào Kh'mer mới nghĩ cách chế biến thành rượu và cô đặc lại thành đường tán như hiện nay.

Cách thức khai thác và nấu đường

ADQuảng cáo

Hái thốt nốt đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo. Để lấy được nước, nông dân dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang leo. Khi lên đến ngọn cây, người ta cắt phần ngọn những cuống hoa, sau đó dùng can nhựa hứng nước. Nếu cây cho nước tốt thì mẻ đường sẽ thơm ngon, dễ đánh, màu sắc đẹp, có thể dùng để đổ đường tán (đường cục). Nếu ít nước hoặc nước không trong thì chỉ dùng để nấu đường chảy. Sau khi lấy nước, thợ tiếp tục dùng dao cắt một khoanh tròn mới ở phần đầu hoa bỏ đi và tạo phần nốt cắt mới cho hoa để tích nước tiếp.

Xong công đoạn lấy nước thốt nốt thì đến công đoạn nấu đường. Thường mỗi lần lấy nước xong, trong vòng 24 giờ phải thắng đường, để lâu hơn sẽ bị chua. Người ta đắp lò đất, đặt chảo to rồi đổ nước thốt nốt vào nấu. Nước thốt nốt được cho vào 1 cái chảo lớn, nấu khoảng 4 giờ là cô đặc lại thành đường chảy. Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhắc ra khỏi lò, khuấy liên tục để còn màu vàng tươi đặc trưng của đường thốt nốt. Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn.

 ​Đường thốt nốt thành phẩm của bà con An Giang

Phát triển ổn định, cho thu nhập khá

Cùng với việc được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, An Giang có nhiều chính sách hỗ trợ để những hộ theo nghề nấu đường thốt nốt ở hai huyện có đông đồng bào Kh'mer là Tri Tôn, Tịnh Biên phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Sản phẩm đường thốt nốt không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà ở nước ngoài cũng rất ưa chuộng, bởi đặc tính thơm ngon và đặc trưng vùng, miền của sản phẩm. Do mùa nấu đường trùng với mùa hành hương nên khá nhiều hộ dân sống nhờ nghề này cũng có được nguồn thu khá.

Ngành Du lịch tỉnh An Giang đã và đang xúc tiến đầu tư phát triển du lịch sinh thái, làng nghề. Theo đó, đặc sản đường thốt nốt đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và vươn ra thế giới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO