Thăm Khu Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Thương Hà| 31/12/2014 14:10

Trong chuyến công tác về Tây Ninh, chúng tôi được các bạn đồng nghiệp đưa đi thăm Khu Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại địa bàn huyện Tân Biên. Nghe, đọc tài liệu về địa chỉ này đã nhiều, nhưng được đến tận nơi chứng kiến càng thêm khâm phục tài trí cũng như sự chịu dựng gian khổ, hy sinh phi thường của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc.

ADQuảng cáo

Vài nét về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Theo tài liệu, ngày 23/1/1961, tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để thay thế cho Xứ ủy Nam bộ; với chức năng, nhiệm vụ được xác định là cơ quan đại diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam.

Thăm di tích Nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1964) tại Khu Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Tháng 10/1961, tại căn cứ Mã Đà (Đồng Nai), Trung ương Cục miền Nam đã họp và quyết định chuyển lực lượng về Tân Biên, Tây Ninh xây dựng căn cứ. Đây được xem là địa điểm có nhiều thuận lợi để đặt căn cứ cách mạng vì là vùng rừng nguyên sinh nhưng địa hình bằng phẳng, nằm trên đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, lại chỉ cách Sài Gòn khoảng 160 km.

Trong thời gian 15 năm (1961 - 1975), tại căn cứ này, Trung ương Cục miền Nam đã thay mặt Trung ương Đảng chỉ đạo Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lực lượng vũ trang thực hiện cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng từng ấy thời gian, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam luôn là mục tiêu tấn công của Mỹ, ngụy. Kẻ thù đã không tiếc bom đạn, tính mạng quân sĩ để càn quét vùng đất này. Chỉ tính trong 10 năm từ 1961 đến 1971, Mỹ, ngụy đã tiến hành hàng chục trận càn quét, trong đó có 10 trận qui mô lớn như tháng 2/1963, huy động 72 lượt máy bay đổ quân tập kích; tháng 2/1967, mở cuộc hành quân “Tìm và Diệt” huy động các đơn vị thiện chiến với 45.000 quân tham gia; tháng 3/1969, sử dụng máy bay B-52 tiến hành 40 đợt ném bom.

Đặc biệt là trong tháng 5/1970 và tháng 1/1971, đích thân Tổng thống Mỹ Ních Xơn đã trực tiếp lên kế hoạch, chỉ đạo 2 cuộc càn qui mô lớn mang tính “quyết định cho chiến cuộc Đông Dương”… Thế nhưng, tất các các cuộc hành quân, càn quét của đối phương đều… thất bại.

Các lực lượng vũ trang của Quân giải phóng miền Nam đã cảnh giác tổ chức đánh chặn, đánh trả và mưu trí di chuyển các cơ quan của Trung ương Cục miền Nam vào những nơi bí mật, an toàn. Trong các cuộc đối đầu với kẻ địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh; trong đó có tấm gương tiêu biểu của Liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh. Đang là nữ sinh trường Gia Long, Sài Gòn, chị bỏ học lên chiến khu tham gia Đoàn tải gạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Ngày 4/1/1968, Đoàn của chị đang trên đường công tác tại địa phận Chàng Riệc thì bị biệt kích Mỹ vây đánh. Chị bị chúng bắt, đưa lên máy bay trực thăng định đưa về Sài Gòn. Quyết không chịu rơi vào tay giặc, thừa cơ chúng sơ hở, chị đã tông cửa máy bay, nhảy xuống và hy sinh khi mới sang tuổi 19… Ngày nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có một đường phố mang tên chị tại phường 2, quận Tân Bình.

Ngay sau ngày Sài Gòn được giải phóng (30/4/1975), sáng ngày 2/5/1975, các cơ quan của Trung ương Cục miền Nam đã rời căn cứ, về Thành phố Sài Gòn; kết thúc chặng thời gian dài 15 năm “nằm gai, nếm mật” oai hùng.

ADQuảng cáo

Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam hôm nay

Từ Thành phố Tây Ninh, theo quốc lộ 22B ngược hướng Bắc, tới cửa khẩu Xa Mát với chiều dài chừng 50 cây số, rồi rẽ phải theo đường hành lang biên giới khoảng 10 cây số, lại rẽ phải chừng gần chục cây số nữa là tới Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đoạn quốc lộ 22B đi qua các điểm dân cư trù phú của Thành phố Tây Ninh và các huyện Châu Thành, Tân Biên; còn đoạn từ Sa Mát vào Khu Di tích thì chỉ toàn là rừng nguyên sinh; tuy nhiên đường đã được trải nhựa, việc đi lại khá thuận lợi.

Điểm đầu tiên của Khu Di tích là Khu lưu niệm Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Nơi đây có Nhà trưng bày tư liệu chung, 34 Nhà lưu niệm của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Trị đến Cà Mau và Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trung tá Bum, cán bộ chỉ huy đơn vị quản lý Khu lưu niệm dẫn chúng tôi đi thăm một lượt và ghé tới Nhà lưu niệm Công an tỉnh Đắk Nông. Đó là một căn nhà sàn bằng gỗ nằm ở gần cuối Khu lưu niệm. Từ Khu lưu niệm Ban An ninh đi vào, cứ cách một đoạn đường lại có Khu lưu niệm các cơ quan như Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam…

Nhà Lưu niệm Công an tỉnh Đắk Nông tại Khu Lưu niệm Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam

Tại các Khu này đều có các hạng mục công trình như: Phân khu di tích gốc gồm: nhà làm việc, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, hầm trú ẩn, giao thông hào; Phân khu tôn tạo gồm: nhà đón tiếp, trưng bày, phòng khách, nhà bia; Phân khu bảo tồn là cảnh quan thiên nhiên …

Tại Khu lưu niệm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi đã có dịp vào Nhà trưng bày xem các hình ảnh tư liệu, vật dụng liên quan tới đời sống, công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng kháng chiến; sau đó trực tiếp vào Khu di tích thăm các công trình như chốt gác, hội trường, nhà làm việc, bếp, hầm, hào… đã được phục dựng nguyên trạng.

Càng đi sâu vào trong càng thấy đường đi, lối lại cứ như “mê cung”. Mặc dù bây giờ, các lối đi đều đã được “bê tông hóa” và thi thoảng lại có biển chỉ dẫn; vậy mà loanh quanh thăm thú một hồi, chúng tôi cũng “sém” bị lạc. Dọc tuyến đi, chúng tôi thấy có nhiều vũng nước hình tròn có đường kính khoảng vài mét, đó là dấu những hố bom của địch thả xuống năm xưa. Cứ nhìn những vết tích ấy thì cũng đủ biết cuộc chiến năm xưa ở vùng đất này khốc liệt đến nhường nào.

Đường vào trung tâm Khu Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Trao đổi về các hoạt động ở Khu Di tích này, đồng chí Văn Công Cảnh, Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, người dẫn chúng tôi đi thăm Khu Di tích cho biết: “Khu Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam bộ. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tây Ninh và một số Bộ, ngành Trung ương đã đầu tư nhiều công sức để tôn tạo, quản lý. Với những giá trị đặc biệt của Di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhất là vào các dịp ngày lễ kỷ niệm, du khách các địa phương về đây rất nhiều để thăm viếng, tìm hiểu… vì nơi đây vừa là địa chỉ “về nguồn”, vừa là điểm du lịch sinh thái lý tưởng…”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm Khu Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO