Về Cao Lãnh viếng thăm mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Hà An| 09/09/2016 10:50

Có dịp ghé thăm Đồng Tháp, xứ sở của đất sen hồng, điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đoàn chúng tôi chọn đây là điểm viếng thăm đầu tiên bởi một lẽ, đó là lòng tôn kính đối với một chí sỹ yêu nước - vị thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ADQuảng cáo

Tọa lạc ở số 123/1 Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992.

Du khách viếng và thắp hương tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Theo lời hướng dẫn viên thì sau nhiều lần tôn tạo, khu di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một quần thể công trình lịch sử, văn hóa lưu niệm danh nhân nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Với tổng diện tích gần 10 ha, khu di tích có những hạng mục chính như: mộ và vòm mộ, hồ sao; Đền thờ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Nhà trưng bày cuộc đời sự nghiệp Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Mô hình nhà sàn, hồ sen Bác Hồ và một góc làng Hòa An đầu thế kỷ XX…

Bao quanh khu di tích là con đường vành đai tráng nhựa cùng với hệ thống hàng rào gạch và 4 cổng ra vào, gồm 2 cổng quay về hướng Đông, một cổng hướng Nam và 1 cổng hướng Tây.

Ngôi mộ Cụ Phó bảng hướng về phía Đông là công trình trung tâm trong quần thể kiến trúc của khu di tích, mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống. Trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.

Sau khi kính hương Cụ Phó bảng, du khách có thể  tham quan khuôn viên lăng mộ với nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ).

ADQuảng cáo

Phía trước mộ là ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sáng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và đó cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp.

Dạo bộ theo hướng Đông, cách ngôi mộ không xa là ngôi nhà truyền thống. Trong đó có những dấu ấn về cuộc đời hoạt động của Cụ Phó bảng được tái hiện với những kỷ vật trong chủ đề: “Kỷ vật của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc” nhằm giới thiệu thân thế,  sự nghiệp Cụ Phó bảng. Nơi đây trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu mang tính khoa học và những chi tiết về gia đình cụ, nhất là căn cứ “Nhất triều đăng khoa lục” xác minh rõ Cụ thi đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 16. Cụ vào Huế làm Tri huyện từ tháng 10/1909 đến tháng 1/1910, sau đó lên Sài Gòn năm 1911. Năm 1920, Cụ trở ra Phan Thiết và ở đó đến năm 1923. Tiếp đó, Cụ đến Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, rồi di chuyển nhiều lần trong tỉnh Long Xuyên - Châu Đốc, trú ngụ tại chùa Giồng Thành - Tân Châu, rồi đến Sa Đéc... Cuối cùng Cụ cư trú tại Cao Lãnh, rồi mất năm Kỷ Tỵ (26/11/1929), an táng cách thị xã Cao Lãnh gần một cây số theo tỉnh lộ 23-nơi xây dựng khu di tích hiện nay.

Ngôi nhà sàn và hồ sen Bác Hồ tại khu di tích

Theo những người dân địa phương thì khu vực này trước đây là một khu vườn tre, ao nước hoang vu, chỉ có một gốc cây to bọng ruột, thỉnh thoảng mới có một vài người đến cúng vái gọi là Miếu Trời sanh. Thời Pháp thuộc, mặc dù giặc theo dõi gắt gao nhưng nhân dân địa phương thường xuyên chăm sóc mộ Cụ một cách chu đáo.

Thời kỳ chống đế quốc Mỹ, giặc luôn rình rập những người lui tới khu vực này. Trong những dịp lễ lớn, thanh minh, ngày tết... , bọn giặc luôn luân phiên canh gác suốt ngày đêm. Nhưng khi mặt trời vừa ló dạng là chúng phải giật mình vì ngôi mộ đã được quét vôi mới trắng tinh, khẳng định lòng thành kính, biết ơn vô bờ của con dân nước Việt với vị thân sinh ra người con ưu tú của dân tộc - lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trong khuôn viên lăng mộ Cụ Phó bảng, khách viếng thăm còn được chiêm ngưỡng ngôi nhà được xây dựng y hệt như ngôi nhà sàn của Bác Hồ ở Hà Nội. Trước nhà sàn là hồ sen với những cây liễu rủ bóng và con đường đi bộ.

Trong khung cảnh yên bình, thanh tịnh hòa cùng những làn điệu dân ca du dương khiến cho du khách không khỏi xúc động, bùi ngùi nhớ về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước. Đây cũng chính là lý do để mỗi năm, hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, nhất là những em học sinh của nước nhà tới viếng thăm khu di tích.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Cao Lãnh viếng thăm mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO