Vẻ đẹp hoài cổ và bí ẩn của thánh địa Mỹ Sơn

Nguyễn Hồng (t.h)| 27/12/2019 08:53

Khu thánh địa Mỹ Sơn là quần thể di tích đền đài Chămpa thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nằm trong một thung lũng có đường kính rộng chừng 2 km, bao quanh là đồi núi trùng điệp.

ADQuảng cáo

Đây từng là nơi tổ chức cúng tế cũng như là khu vực lăng mộ các vua quan, hoàng thân quốc thích của những vương triều Chămpa xưa. Năm 1999, khu thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Thông qua những bia ký và lịch sử nhiều triều đại xưa cho thấy, Mỹ Sơn là khu thánh địa quan trọng nhất của dân tộc Chăm suốt từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XV. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XIII, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa.

Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva – Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần – vua và tổ tiên hoàng tộc.

ADQuảng cáo

Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử… động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.

Thánh địa Mỹ Sơn, các nhóm tháp đều tuân theo 1 khuôn mẫu: Chính giữa là đền thờ, gọi là kalan, đối diện là 2 tháp cổng (Gopura) quay về 2 hướng đông và tây. Trước tháp cổng là một ngôi nhà dài, là nơi tiếp nhận lễ vật đón khách hành hương với mái hình thon dài gọi là mandapa. Mandapa gồm nhiều cửa sổ và 2 cửa chính luôn mở xoay về 2 hướng đông, tây. Tại hành lang, những người đi lễ tiến hành thủ tục tẩy rửa bụi trần và cầu nguyện trước khi vào kalan thực hiện các nghi lễ.

Người Chăm cổ đã được tôn là “Bậc thầy của nghệ thuật xây gạch”, kỹ thuật xây dựng các đền tháp đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa lý giải được. Không hề dùng đến các chất kết dính thông thường, các viên gạch xây như chỉ được mài khít, chồng xếp nhưng liền khối vững chắc.

Giá trị của các di tích ở Mỹ Sơn còn được thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc, chạm nổi trên gạch, trên đá với những hình ảnh sống động về các vị thần, tu sĩ, vũ nữ, hoa lá, muông thú và các vật tế lễ… Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn in đậm dấu ấn những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật của dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy loàng của văn hóa kiến trúc Chămpa cũng như của Đông Nam Á.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẻ đẹp hoài cổ và bí ẩn của thánh địa Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO