“Bán” thông tin cá nhân

Bình Minh| 21/08/2019 09:34

Đang tập trung làm việc của cơ quan giao, chị H hiện đang công tác tại một cơ quan đơn vị sự nghiệp giật mình khi chuông điện thoại di động reo liên hồi. Đầu dây bên kia, giọng nữ tự giới thiệu là nhân viên của ngân hàng V ngọt ngào chào mời chị tham gia vay tiền với lãi suất ưu đãi theo các định hạn khác nhau.

ADQuảng cáo

Dù không hài lòng và khá bực mình nhưng vì lịch sự, chị đã nhẹ nhàng từ chối. Sau cuộc nghe điện thoại, chị vừa băn khoăn, vừa lo lắng về việc tại sao nhân viên ngân hàng này lại biết số điện thoại của mình. Và phải mất một lúc lâu, chị mới nhớ ra là tuần trước có tham gia mua một chiếc máy giặt trả góp tại một cửa hàng điện máy trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Vì bên cửa hàng yêu cầu điền thông tin vào hợp đồng trả góp bao gồm cả số điện thoại, tài khoản ngân hàng và cả địa chỉ nơi ở, đơn vị công tác.

Chứng kiến sự việc, chị K, đồng nghiệp cùng phòng cũng cho biết, đã nửa năm nay, chị cũng bị nhiều người tự giới thiệu là nhân viên của một ngân hàng tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh “mồi chài” vay tiền gói tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, một phần cảnh giác không bị lừa, một phần chưa có nhu cầu vay vốn nên chị từ chối. Điều đáng nói là mặc dù đã từ chối nhiều lần và có lần đã nói gắt yêu cầu đừng gọi làm phiền nữa nhưng những người tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng kia vẫn tiếp tục “lẽo đẽo” gọi chào mời. Không còn cách khác, chị phải chặn cuộc gọi của những số điện thoại này.

Qua tìm hiểu được biết, chị K đã có một số lần mua đồ điện tử trả góp tại các cửa hàng điện máy trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, cũng như mua một số món đồ thời trang qua mạng. Vì thế, việc điền thông tin về số điện thoại di động cá nhân và chuyển khoản tiền mua hàng thông qua ví điện tử là đòi hỏi phải bắt buộc của bên bán hàng.

ADQuảng cáo

Câu chuyện bị lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để phục vụ công việc kinh doanh hiện nay đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thực tế, một tình trạng phổ biến mà nhiều người đã mắc phải trong thời gian qua, đó là dù chưa làm thủ tục hàng không để bay ra Hà Nội nhưng nhiều người tự giới thiệu là nhân viên của các hãng tắc xi đã biết số điện thoại, gọi mời chào tham gia dịch vụ, với giá cả như thế này, như thế kia từ sân bay vào trung tâm thành phố.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số. Do vậy, việc phải tham gia sử dụng các dịch vụ như khám, chữa bệnh, mua vé máy bay và làm thủ tục bay qua mạng, sử dụng nhiều tiện ích trên điện thoại di động thông minh, rồi tham gia các mạng xã hội…, đòi hỏi phải khai báo một số thông tin như số điện thoại di động, địa chỉ nhà riêng, email, nơi công tác… Chính vì thế, những nguồn thông tin này nếu không tuân thủ bảo mật sẽ dễ dàng lọt ra ngoài và bị biến thành như hàng hóa để mua bán, trục lợi… Điều đó có nghĩa mỗi cá nhân hằng ngày phải đối mặt với những rủi ro về việc thông tin cá nhân bị lộ.

Đáng nói hơn, không ít người trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lừa đảo trực tuyến, mất tiền trong tài khoản ngân hàng… cũng chỉ vì tình trạng trên. Hy vọng thực trạng này sớm được các cơ quan chức năng chấn chỉnh, xử lý nghiêm nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trước mắt, mọi công dân cần có cách quản trị thông tin cá nhân của mình một cách chặt chẽ và thông minh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bán” thông tin cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO