Chuyện giữ chân “người Nhà nước”

Bình Minh| 19/10/2022 08:41

Chuyện cán bộ, công chức, viên chức có thể gọi chung là “người Nhà nước” xin thôi việc, nghỉ việc được dư luận xã hội thời gian gần đây rất quan tâm.

ADQuảng cáo

Việc “người Nhà nước” xin thôi việc, nghỉ việc để chuyển sang làm tư ở một số khía cạnh nào đó cho thấy đây là chuyện bình thường trong thời đại kinh tế trị trường. Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều người xin thôi việc, nghỉ việc là những người có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước và chất lượng dịch vụ công.

Ngành Y tế là một ví dụ. Theo Sở Y tế Đắk Nông, 6 tháng đầu năm 2022, ngành có 27 công chức, viên chức xin nghỉ việc, trong đó có 14 bác sĩ. Trước đó, năm 2021, ngành này cũng có 38 công chức, viên chức xin nghỉ việc, trong đó có 17 bác sĩ.

Về nguyên nhân, theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay hệ thống bệnh viện tư ngày càng nhiều, cơ chế, chính sách và mức lương hấp hẫn nên thu hút được bác sĩ. Trong khi đó, khó khăn của các đơn vị y tế công lập là mức tự chủ giao khá cao, dẫn đến khó cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế. Việc thực hiện một số chính sách ưu đãi lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, từ năm 2015 đến tháng 6/2022, tỉnh Đắk Nông đã có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực thực hiện. Tuy nhiên, mức hỗ trợ chưa phù hợp. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ về nhà ở, mua đất vẫn chưa thực hiện, khiến một số bác sĩ điều kiện khó khăn thiếu yên tâm công tác lâu dài. Chính vì điều đó mà một số trường hợp, mặc dù đã nhận tiền thu hút 200 triệu đồng nhưng vẫn xin nghỉ việc và đền bù.

ADQuảng cáo

Không chỉ riêng ngành Y tế mà các lĩnh vực khác, tình trạng công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc cũng tăng rất đáng quan tâm. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy từ năm 2020 đến tháng 6/2022, cả nước đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia lo ngại, cứ đà này tăng, các cơ quan Nhà nước, bệnh viện công lập, trường công sẽ khó có người giỏi làm việc. Do đó, để “giữ chân” công chức, viên chức vào lúc này cần những giải pháp cụ thể, căn cơ.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất để giữ chân “người Nhà nước”, đó là vấn đề cải cách tiền lương. Người lao động bao giờ cũng muốn thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra. Nhiều năm nay, khu vực Nhà nước tiền lương còn thấp, khu vực tư thì lương cao hơn.  Khu vực công tiền lương còn mang tính cào bằng nên người lao động không mặn mà. Vấn đề cải cách tiền lương đã đặt ra từ nhiều năm nay, qua nhiều đợt cải cách nhưng nỗ lực chỉ như “muối bỏ bể”. Và kế hoạch tăng lương đã qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được với công chức, viên chức cần mức lương phù hợp với đóng góp, với giá cả thị trường, để làm việc, cống hiến và nuôi sống gia đình. Tiền lương trả cho công chức, viên chức phải phù hợp với sự cống hiến và phục vụ của họ, không để có sự chênh lệch quá xa về tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư như hiện nay.

Một số giải pháp khác cũng cần sớm triển khai, đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập, kẽ hở, “lỗ hổng”, nhất là nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một vấn đề... nhằm hạn chế rủi ro, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ được giao. Trong đó, phải giữ bằng được và trao cơ hội thăng tiến, nhất là đối với những công chức, viên chức có tầm, có tâm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Một việc nữa không thể không làm, đó là tiếp tục tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng theo hướng đào thải những người không làm được việc và tuyển mới những người làm việc tốt để thay thế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện giữ chân “người Nhà nước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO