Doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và EVFTA

Bình Minh| 08/07/2020 09:22

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Lợi ích mà hiệp định này mang lại là rất lớn khi có tới gần 85% dòng thuế xuất khẩu Việt Nam sang EU được cắt giảm.

ADQuảng cáo

Ở chiều ngược lại sẽ có 48% dòng thuế xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ được dỡ bỏ. Nông sản của Việt Nam là một trong những ngành hàng đang đứng trước nhiều lợi thế vào EU như: cà phê, hạt tiêu, rau quả, mật ong tự nhiên, gạo… Thuế xuất khẩu các mặt hàng này từ 5% - 20% sẽ được giảm về 0%. Như vậy, nông sản Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường EU. 

Ảnh minh họa

Hiệu quả kinh tế rất lớn thế nhưng đến thời điểm này khi mà hiệu lực của hiệp định chỉ còn đếm theo từng ngày thì nhiều doanh nghiệp trong cả nước nói chung và doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng vẫn còn rất mơ hồ về EVFTA. Theo kết quả điều tra của Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) vừa kết thúc thì cả nước có tới trên 70% doanh nghiệp dân doanh hiện nay không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về hiệp định này. Con số này thực sự đáng quan ngại, bởi nếu các doanh nghiệp “mù mờ” thông tin về EVFTA thì sẽ rất khó để họ có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế. Thực tế những quy định khắt khe trong EVFTA đặt ra những yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt thông tin về Hiệp định để có thể giữ thế chủ động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt hiện vẫn còn lơ mơ và coi EVFTA là việc mang tính vĩ mô.

ADQuảng cáo

Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn “mù mờ” về Hiệp định EVFTA thì các doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm đến hiệp định này. Mới đây, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có buổi tọa đàm với mục đích cập nhật thông tin và giải đáp các thắc mắc cho doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại Việt Nam về EVFTA. Tại đây, 150 doanh nghiệp châu Âu đều bày tỏ mối quan tâm về lộ trình triển khai EVFTA  có hiệu lực thi hành. Sự tham gia của số lượng lớn doanh nghiệp của buổi tọa đàm cùng những câu hỏi trực diện về nội dung của EVFTA cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đang rất quan tâm với hiệp định này và đã có sự tìm hiểu, chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội từ hiệp định này.

Từ thực tế những tồn tại, hạn chế trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Đắk Nông cho thấy, vấn đề đặt ra ở đây là trước hết bản thân mỗi doanh nghiệp cần có sự vận động để có thể bắt kịp theo thời gian thực hiện hiệp định. Cụ thể những nội dung của hiệp định, thông tin thị trường của các ngành hàng, đặc biệt là nông sản, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tìm hiểu hoặc thuê chuyên gia tư vấn. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, có sự liên hệ chặt chẽ nhiều hơn với các tham tán thương mại của Việt Nam tại 28 quốc gia thành viên EU nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, tận dụng hiệu quả cơ hội…

Trong khi đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội cũng như hóa giải thách thức mà EVFTA mang lại, giới chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội cần nỗ lực hơn nữa thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp để họ có thể nắm bắt các quy định, quy tắc được đưa ra trong EVFTA, từ đó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ, tổ chức được hàng hóa xuất khẩu thành công.

Ở góc độ địa phương, nhiều ý kiến đề nghị, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan nhanh chóng phối hợp với nhau tiến hành phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp-PTNT và các bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU. Các địa phương kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm của EU… để các địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nắm bắt thông tin, nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO