Khủng hoảng môi trường

Lan Hương| 04/06/2019 09:37

Báo cáo tóm tắt của Liên Hiệp Quốc cuối tháng 5 cảnh báo rằng loài người đang trên hành trình làm tuyệt diệt khoảng 1 triệu trong tất cả 8 triệu các loại thực vật và động vật của hành tinh.

ADQuảng cáo

Báo cáo cũng đưa ra bức tranh đáng ngại khi “sức khỏe của hệ sinh thái... đang suy giảm nhanh hơn bao giờ hết”. Các mối đe dọa chính trên toàn cầu được liệt kê là việc sử dụng các nguồn lực từ đất đai và biển cả của con người, cho tới những thách thức vì biến đổi khí hậu, ô nhiễm và loài xâm lấn. Tổng cộng có 60 tỉ tấn tài nguyên tái tạo và không tái tạo được bị lấy khỏi địa cầu mỗi năm (tăng gấp đôi so với năm 1980).

75% môi trường đất và 66% môi trường biển “đã bị thay đổi nghiêm trọng vì hành vi con người”. Gần 1/3 diện tích mặt đất và 75% nguồn nước ngọt được dùng cho nông nghiệp. Ô nhiễm rác thải nhựa tăng gấp 10 lần từ năm 1980 và từ 300 – 400 tấn kim loại nặng và các rác thải công nghiệp độc hại tương đương bị thải vào trong hệ thống nước của thế giới...

“Khủng hoảng môi trường” thực ra đang rất gần và loài người chúng ta đang chung sống và đối chọi với nó. Hàng tỉ người đã thấu hiểu thực trạng này qua kiến thức, cảm xúc và thực tế thấy được trong cuộc sống.

Việt Nam chúng ta mấy năm gần đây khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng tăng kỷ lục. Riêng tháng 4/2019, Việt Nam ghi nhận một đợt nắng nóng kỷ lục mới với nhiệt độ khí tượng lên đến 40 - 43 độ C ở miền Bắc. Nắng hạn cũng liên tục diễn ra ở Tây Nguyên những năm qua. Một biểu hiện khác của biến đổi khí hậu đó là trong tháng Năm hoa sữa, hoa phượng cùng nở rộ. Về mặt xã hội thì nắng nóng khiến người dân dùng điện tăng cao, rồi nắng nóng cũng là tác nhân môi trường khiến dịch tả lợn châu Phi lan rộng...

ADQuảng cáo

Theo báo cáo gần nhất của Ủy ban Liên quốc gia về biến đổi khí hậu (IPPC), loài người có rất ít cơ hội khống chế mức nóng thêm toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2030 bởi nồng độ khí nhà kính ở tầng khí quyển đã vượt ngưỡng cân bằng.

Để khống chế nhiệt độ không tăng nữa phải đồng thời áp dụng hai biện pháp. Một là dừng phát thải khí nhà kính về zero và áp dụng công nghệ để xử lý nhà kính tồn đọng trong khí quyển. Hai là phải trồng một diện tích cây rừng tương đương diện tích bề mặt Trái đất trong vòng 40 năm để hấp thụ lượng CO2 dư thừa hiện có. Cả hai việc trên đều bất khả thi bởi vấn đề là mọi thứ đang tăng tốc: Nhiệt độ, sự axít hóa các đại dương, điều làm biến mất nhanh chóng các rạn san hô khổng lồ, nơi sinh sống của hơn 25% các loài dưới đáy biển.

Các nước công nghiệp phát triển, tác nhân của phát thải khí nhà kính vẫn không giảm. Sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu kết hợp với mất rừng, mất đi các hồ ao sông suối và quá trình đô thị hóa, tiêu dùng quá mức, loãng phí tài nguyên... xảy ra chóng mặt ở hầu hết các quốc gia đang đẩy con người vào cãi bẫy do chính mình tạo ra. Trong khi đó, theo Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới gần 10 tỉ người tới giữa thế kỷ này, tức tăng gấp 3 lần so với năm 1950; và chiều ngược lại sinh khối của các loài động vật hoang dã đã giảm tới 82% so với thời tiền công nghiệp.

Chúng ta khó để tự nâng cao ngưỡng chống chịu với nắng nóng, thì chí ít cũng nên dừng lại việc tạo ra các nguy cơ cho chính mình. Vậy nên, giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn là tăng diện tích cây xanh và hồ chứa nước, ngừng việc cấp phép cho các dự án lấn sông, lấn hồ... Giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ Trái đất, “mẹ thiên nhiên” cần phải được thực thi nghiêm túc ở nhiều góc độ như toàn cầu và quốc gia.

Các chuyên gia luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học, giải thích những loài khiêm tốn mà chúng ta ít khi nhìn thấy thực ra có vai trò quan trọng với sự sống của chúng ta ra sao. Ong mật là chuyên gia thụ phấn toàn cầu cho những loài thực vật nuôi sống chúng ta. Kiến và sâu làm đất màu mỡ. Ếnh ăn những loại côn trùng hại mùa màng. Những loài khiêm tốn đó đã làm được nhiều việc to tát. Loài người chúng ta tự hào về khám phá và làm chủ vũ trụ, điều tiết tự nhiên nhưng không chịu hiểu về những nguy cơ đang đến gần với mình...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO