Làm rõ trách nhiệm giữ rừng

Bình Minh| 26/05/2021 09:15

Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã có rất nhiều văn bản, cũng như tổ chức các cuộc họp triển khai các giải pháp nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng. Thế nhưng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đến nay vẫn diễn biến rất phức tạp.

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 173 vụ phá rừng với diện tích bị phá là 45,18 ha. Nguyên nhân chính được xác định là phá rừng để lấy đất sản xuất và lấy gỗ trái phép. Các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tồn tại trong 4 tháng đầu năm 2021 cũng như nhiều năm nay vẫn tập trung tại khu vực thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’Tao, HTX Nông nghiệp-Dịch vụ-Thương mại Hợp Tiến, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng, Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Nông (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai) và khu vực rừng thông dọc quốc lộ 14, quốc lộ 28.

Nguyên nhân dẫn đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cũng như những điểm nóng về phá rừng của tỉnh đã được xác định rõ ràng. Trong thời gian qua, chúng ta đều có đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nâng cao công tác quản lý bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, tồn tại lớn nhất hiện nay là chưa làm rõ được phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức ở cơ sở. Do vậy, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi còn lơ là, buông lỏng và khi xảy ra sai phạm thì khó quy chiếu trách nhiệm. Vì thế, nhiều vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất xảy ra quy mô lớn nhưng việc xử lý nghiêm đối với từng tập thể, cá nhân liên quan vẫn chưa được thực hiện đến cùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả của văn bản chỉ đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên; xử lý nghiêm vi phạm theo đúng pháp luật để làm gương; làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của địa phương, công ty, cơ quan quản lý, không làm qua loa, hình thức.

Phát biểu chỉ đạo tại nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh đến việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đối với các cấp, các ngành gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên. Việc xác định rõ trách nhiệm để tránh tình trạng cấp dưới đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, đồng thời cấp trên cũng không giải quyết thay những công việc thuộc thẩm quyền của cấp dưới. Tuy nhiên, vấn đề này được thực hiện trên cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện để làm sao việc giải quyết thực hiện nhiệm vụ được giao phải thực sự hiệu quả.

Trong khi đang chờ Trung ương điều chỉnh về cơ chế, chính sách đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng thì nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài hiện nay là sớm xác định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với từng cấp ủy, chính quyền, chủ rừng và các đơn vị liên quan ở địa bàn cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ trách nhiệm giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO