Nông sản sạch

Bình Minh| 03/07/2019 08:42

Bộ Nông nghiệp-PTNT đang xúc tiến đưa quả bơ vào thị trường Mỹ. Nếu việc xúc tiến thương mại thành công đối với quả bơ thì hàng trăm doanh nghiệp, hộ trồng bơ sẽ có đầu ra cho sản phẩm thuận lợi. Qua đó, giá trị kinh tế và vị thế của nông sản Việt Nam tiếp tục được nâng cao.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, đó là viễn cảnh của tương lai. Còn trước mắt, chúng ta cần phải nhanh chóng chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ đưa ra. Bởi theo yêu cầu, bơ nhập vào Mỹ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về độ chín, màu sắc, trọng lượng, đường kính, còn nguyên vẹn, sạch sẽ, không qua tiếp xúc với môi trường ẩm ướt...

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng có nhiều giống bơ cho quả quanh năm nhưng giá trị hàng hóa còn thấp do khâu sản xuất và bảo quản hầu hết đều chưa tuân thủ theo quy trình VietGAP cũng như chưa có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy, lộ trình cho quả bơ vươn ra thị trường quốc tế, nhất là thị trường Mỹ đòi hỏi phải sớm hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Đây là vấn đề rất khó khăn hiện nay, nhưng cũng phải làm để nâng cao giá trị sản xuất đối với cây bơ một cách bền vững.

Trước đó, chúng ta đã thành công trong xúc tiến đưa quả xoài, quả vải vào thị trường Mỹ và Trung Quốc với số lượng lớn đã đưa lại những giá trị kinh tế lớn đối với các doanh nghiệp và người nông dân, đặc việt là góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là những thắng lợi lớn của nông sản Việt Nam và để lại nhiều bài học quý báu.

ADQuảng cáo

Thành công từ các quả xoài, vải, thanh long và sắp tới có thể là quả bơ sẽ mở ra triển vọng xâm nhập thị trường thế giới đối với nhiều loại nông sản khác. Tuy nhiên, để đạt được điều này là không hề dễ dàng. Ngay cả khi, vừa qua, Việt Nam ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với Liên minh châu Âu (EU) thì không có nghĩa là hàng hóa của chúng ta được ồ ạt vào thị trường EU.

Hiệp định EVFTA chỉ được ưu đãi về thuế khi mở cửa thị trường hoàn toàn và gần như 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm trong vòng 7 năm. Ngay sau năm 2020, hơn 85% dòng thuế sẽ về 0, chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Vì thế, muốn vào được thị trường EU thì hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản phải sạch, tức là đáp ứng được các điều kiện yêu cầu về chất lượng, nhất là độ sạch, an toàn của thị trường thế giới ngày càng gắt gao.

Chất lượng nông sản là “tấm giấy thông hành” quan trọng nhất trong xuất khẩu. Ðây cũng là điều mà nhiều mặt hàng của nước ta phải lưu ý, nhất là trước tình trạng mỗi năm đều có nhiều lô hàng xuất khẩu nông sản bị thị trường các nước từ chối nhập vì không đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Từ các vấn đề trên cho thấy, yêu cầu đặt ra là các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của đối tác nhập khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO