Phòng bệnh cho “vùng lõm”

Bình Minh| 22/07/2020 09:35

Dịch bệnh bạch hầu đang trở thành vấn đề nóng được người dân cả nước quan tâm. Qua tình hình thực tế cho thấy, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện "vùng lõm" trong công tác phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu.

ADQuảng cáo

Dịch bệnh bạch hầu là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách. Diễn biến dịch bệnh bạch hầu trên toàn vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông đang có xu hướng khó lường, không theo quy luật thông thường như trước đây, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người mắc bệnh bạch hầu không chỉ ở lứa tuổi dưới 7 tuổi mà đã lan rộng ra mọi độ tuổi. Riêng tại huyện Đắk Glong, địa phương này có số bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu nhiều nhất và cũng là nơi ghi nhận 2 trường hợp tử vong do mắc bạch hầu ác tính.

Công tác tiêm chủng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Thực tế tại các khu vực ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, vấn đề vệ sinh môi trường còn hạn chế. Nhiều khu vực người dân sinh sống tập trung thành các cụm dân cư, nhưng các vấn đề về nước sạch, nhà vệ sinh… đều chưa bảo đảm. Đa số ca mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh là trẻ em trên 7 tuổi và chưa được tiêm phòng đầy đủ và xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp.

ADQuảng cáo

Đó là nguyên nhân và cũng là chỉ báo rất cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu đã được ngành y tế chỉ ra. Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy, do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân chưa chú  ý nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe dự phòng cho con em. Nhận thức của người dân còn hạn chế nên thiếu sự hợp tác trong quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ em. 

Tại các vùng “vùng lõm” thì công tác tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các gia đình ở đây chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích của việc tiêm chủng, mặc dù được cán bộ y tế vận động, tư vấn thường xuyên. Phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi cũng là những thách thức đối với người dân khi tiếp cận với các điểm tiêm chủng. Việc tồn tại các “vùng lõm” về tiêm chủng dẫn đến nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 

Thời gian qua, lực lượng Y tế dự phòng ở cơ sở đã có rất nhiều cố gắng . Tuy vậy, khi bệnh dịch bạch hầu bùng phát đã cho thấy ở nhiều nơi, y tế cơ sở không bao phủ được địa bàn nên không kiểm soát được dịch tễ của khu vực, vùng mình phụ trách. Công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đến với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vốn ở vùng sâu, vùng xa chưa đầy đủ, thường xuyên nên chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức phòng phòng bệnh của người dân.

Từ những tồn tại, hạn chế và nhu cầu cấp thiết trong đời sống của người dân, vấn về cả trước mắt và lâu dài là phải nhanh chóng quan tâm, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc làm tốt công tác tiêm chủng phòng dịch từ xa sẽ có vai trò rất quan trọng trong ngăn chặn dịch bệnh và sớm loại bỏ được tình trạng phòng, chống dịch kiểu “nước đến chân mới nhảy” như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng bệnh cho “vùng lõm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO