Xung quanh vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản

Bình Minh| 23/06/2021 09:32

Mới đây, trong công văn gửi Cục Báo chí (Bộ Thông tin-Truyền thông), UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông không dùng từ “giải cứu” khi đưa tin về tiêu thụ nông sản nói chung và quả vải thiều nói riêng.

ADQuảng cáo

Bởi lẽ, vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng, chúng ta nên bỏ từ “giải cứu” nông sản, nghe rất thương cảm, thay vào đó cần có những hành động cụ thể hơn.

Ảnh minh họa

Thông điệp từ UBND tỉnh Bắc Giang và người đứng đầu Bộ Nông nghiệp-PTNT đã được dư luận đồng tình và đánh cao. Bởi thực tế, nếu cứ giải cứu thì người tiêu dùng sẽ không hiểu đúng giá trị của nông sản, chưa biết được nông dân sản xuất ra sao và người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất thế nào. Và ở một khía cạnh nào đó, vấn đề giải cứu chỉ mang tính thương hại nhiều hơn và bị lợi dụng để ép, hạ giá bán của người nông dân. Giải quyết tình trạng này rất cần những hành động mà cụ thể hơn là chủ động kết nối thị trường ngay từ đầu vụ, chứ không để tình trạng nông sản thu hoạch xong mới tìm nơi bán.

Mới đây, tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp-PTNT với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn bàn về mô hình điểm tiêu thụ nông sản an toàn mùa dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp-PTNT cho biết, các bộ, ngành, hội sẽ xây dựng 20 điểm kết nối, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, Hội Phụ nữ xây dựng 5 điểm, Đoàn Thanh niên xây dựng 5 điểm (chưa kể các kênh bán hàng online), Hội Nông dân tiếp tục đưa hàng vào 720 điểm hiện có trên khắp các tỉnh, thành.

ADQuảng cáo

Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ lớn trên cả nước bàn kế hoạch thành lập Hiệp hội tiếp thị tiêu thụ nông sản Việt Nam. Bộ Nông nghiệp-PTNT chủ động cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về quy mô, sản lượng, chất lượng nông sản, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn để các trung tâm bán lẻ, tập đoàn phân phối lớn kết nối được dữ liệu từ đó có kế hoạch tiêu thụ chủ động hơn. Đây là những hành động rất thiết thực và cụ thể của các bộ, ngành Trung ương.

Vấn đề của Đắk Nông cũng như nhiều tỉnh, thành khác hiện nay là chủ động, linh hoạt kết nối thị trường tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào một thị trường. Năm nay, tình trạng xoài Đắk Gằn, huyện Đắk Mil ế ẩm, sầu riêng, bơ, các loại rau xanh khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một thực tế rất điển hình. Một vấn đề tồn tại suốt trong nhiều năm qua là xoài Đắk Gằn quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì thế, khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nông sản Việt Nam, giá xoài Đắk Gằn đã rớt thê thảm. Do vậy, việc kết nối rất cần đa dạng thị trường để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong điều kiện dịch Covid-19, việc đẩy mạnh và tăng cường các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa có vai trò rất quan trọng.

Ở góc độ doanh nghiệp, các đơn vị rất hoan nghênh chính sách tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân sẽ giải quyết rất lớn trong tiêu thụ nông sản. Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm giá thành vận chuyển, các siêu thị ở tỉnh nào thì mua nông sản của tỉnh đó, tiêu thụ tại chỗ. Để cùng đồng hành với bà con nông dân, vấn đề áp dụng không chiết khấu với các mặt hàng nông sản là chính sách rất tốt mà lãnh đạo tập đoàn đã ban hành trong thời gian gần đây.

Trong kết nối tiêu thụ nông sản, vai trò đầu tàu của ngành Công thương và ngành Nông nghiệp tỉnh là rất quan trọng. Trong đó, các ngành này sẽ tham mưu UBND tỉnh chủ động cung cấp theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp-PTNT về các dữ liệu kế hoạch sản xuất, dự kiến sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng… Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chuyển dữ liệu này cho các hiệp hội để cùng phân tích lên phương án tiêu thụ. Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, vài trò của các tổ chức đoàn thể trong đồng hành với người nông dân cần được phát huy.

Tuy nhiên, những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp là chưa đủ mà chuyện chuyên nghiệp hóa trong kết nối cung - cầu, người nông dân cũng phải thay đổi quy trình canh tác, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Mô hình tiêu thụ nông sản không chỉ áp dụng trong mùa dịch Covid-19, mà còn đặt nền tảng, cơ sở để thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân. Khi ấy, nông nghiệp không còn rủi ro mùa vụ, đứt quãng cung cầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO