Bằng cấp và năng lực

Vũ Hà| 19/12/2017 09:39

Những học vị (hay bằng cấp) tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… là những cái mốc phấn đấu, ghi dấu trong quá trình học vấn không ngừng của một con người. Thế nhưng, bằng cấp là điều kiện cần nhưng không phải là tất cả, nó không phải là yếu tố quyết định sự thành công trong sự nghiệp của một con người.

ADQuảng cáo

Bằng chứng là, trên thế giới có hàng trăm tỷ phú nhưng chưa từng học đại học. Họ làm nên sự nghiệp không phải do “bằng cấp” mà chính là bằng “cái đầu”. Còn ở Việt Nam, cũng có rất nhiều doanh nhân dù chưa từng học đại học, thậm chí có người vì điều kiện khó khăn nên chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, nhưng họ là người điều hành những doanh nghiệp rất lớn. Họ là những người không có bằng cấp (do yếu tố khách quan) nhưng có năng lực thực tiễn và kiến thức của họ được bồi đắp qua thực tiễn.   

Nếu chỉ căn cứ vào bằng cấp, thì chúng ta sẽ lý giải như thế nào khi những gương mặt điển hình về sáng chế là những người nông dân “hai lúa”. Họ là những người chỉ học hết phổ thông nhưng đã biết sáng chế ra các loại máy móc tiện dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như máy gặt, máy bóc lạc, máy tẽ ngô, trồng củ mì, máy tưới nước... Từ những máy móc do các “hai lúa” chế tạo chúng ta sẽ không khỏi băn khoăn về đội ngũ học hàm, học vị và các kỹ sư của ta (không phải toàn bộ) tuy đông đảo nhưng đã sáng chế được gì nhiều cho bà con nông dân?

Đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhà nước, họ là đội ngũ gồm những người hầu hết có trình độ đại học trở lên nhưng chất lượng cũng còn phải bàn. Hiện nay, ở các cơ quan của tỉnh, nhiều người vừa công tác vừa chịu khó học tập, có bằng cấp cao, kiến thức giúp cho công việc của họ được thực thi tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có người đi học, lấy bằng cấp chỉ vì háo danh, sính bằng cấp, để được chú ý trong quy hoạch. bổ nhiệm, thăng tiến… Đặc biệt, khi Nhà nước có chủ trương trẻ hóa cán bộ, tiêu chuẩn hóa cán bộ thường chủ yếu dựa vào bằng cấp thì lập tức có hiện tượng khai sụt tuổi, bằng giả - nhưng bằng giả không đáng ngại so với “bằng thật học giả”.

ADQuảng cáo

Tỉnh ta, vừa qua cũng đã xử lý một số trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả hay khai man bằng cấp nhưng xem ra vẫn chưa thể chặn đứng tình trạng này. Với kiểu “trên có chính sách, dưới có đối sách”, không ít cán bộ đã chuẩn bị tâm lý dùng bằng giả bằng gian, nếu trót lọt thì là bệ đỡ để tồn tại hoặc thăng tiến; nếu bị phát hiện cũng chỉ nghiêm khắc kiểm điểm, chuyển công tác, hoặc mất chức là cùng, có ai bắt đi tù về tội “tiêu thụ hàng giả” đâu mà sợ (!).

Những hiện tượng, dẫn chứng nêu trên cho thấy, bằng cấp cao không đồng nghĩa với năng lực tốt, bằng cấp cao nhưng trình độ chưa hẳn đã tương xứng. (Đương nhiên, chất lượng bằng cấp ở đây còn do chất lượng đào tạo, đầu vào, đầu ra). Bằng cấp là do học ở trường lớp mà có nhưng năng lực thì ngoài học vấn lại phải do phấn đấu, rèn luyện, phải có kinh nghiệm và tố chất con người. Vì vậy, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ chỉ nên là điều kiện cần để xem xét tuyển chọn và phân công trách nhiệm ban đầu mà thôi.

Muốn thay đổi tình trạng nhận thức “trọng bằng cấp” trước hết phải thay đổi cơ chế đánh giá năng lực con người, quan tâm đến năng lực, khả năng thể hiện và kinh nghiệm có được… Nếu làm tốt điều đó, mới chứng minh được chân lý "đại học không phải là con đường duy nhất", “bằng cấp cao không phải là tất cả”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bằng cấp và năng lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO