Báo chí nỗ lực xây dựng niềm tin với công chúng

Tường Mạnh| 31/03/2017 09:44

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”.

ADQuảng cáo

Thay mặt Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông, có dịp tham dự diễn đàn, nghe nhiều ý kiến tham luận, quả thật bản thân tôi mới “vỡ vạc”, hiểu ra nhiều chuyện liên quan đến chủ đề. Theo nhận định của nhiều đại biểu tham dự diễn đàn thì kỷ nguyên số đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho người làm báo, nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt, làm nảy sinh những thách thức lớn chưa từng có đối với nền báo chí chuyên nghiệp.

Trước hết, một điều phải khẳng định, những năm gần đây, báo chí Việt Nam phát triển theo hướng hội nhập, với đầy đủ các loại hình báo chí. Cùng với đó, việc ra đời của mạng xã hội với các ứng dụng vô cùng nhanh nhạy và linh hoạt trở thành thách thức lớn cho báo chí chuyên nghiệp.

Báo chí hiện đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh thông tin từ các trang mạng xã hội đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới. Chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ dễ dàng được đưa lên internet, nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến khắp nơi trên thế giới chỉ trong một vài giây.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò cung cấp thông tin đã không còn là đặc quyền riêng của các cơ quan báo chí truyền thống mà thay vào đó là vai trò đơn lẻ của mỗi nguồn tin trên truyền thông xã hội, nơi cung cấp thông tin nhanh nhất và trực tiếp nhất đến với công chúng.

ADQuảng cáo

Là người chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí, Tổng Biên tập được trao cho quyền lực để thực thi nhiệm vụ. Trước đây, khi chưa có internet và thông tin điện tử, việc Tổng Biên tập thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức báo chí để làm gương cho cấp dưới dường như dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, từ khi bước vào kỷ nguyên số, trách nhiệm của Tổng Biên tập nặng nề hơn, áp lực lên công việc hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng phút, nhất là đối với việc điều hành xuất bản báo điện tử.

Bàn luận xung quanh vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, sự gương mẫu của Tổng Biên tập trong việc thực thi đạo đức báo chí là cực kỳ quan trọng. Tổng Biên tập không chỉ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý và điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức. Tổng Biên tập phải luôn thể hiện quan điểm chỉ đạo để tờ báo giữ đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân. Đặc biệt trong kỷ nguyên số, khi mà các nội dung thông tin trên mạng tràn lan, thì vai trò của Tổng Biên tập càng quan trọng trong việc giữ được những nguyên tắc của đạo đức báo chí.

Bên cạnh sự gương mẫu của người đứng đầu cơ quan báo chí, người làm báo cũng cần đề cao trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội chính là trách nhiệm công dân, trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm nghề nghiệp, là đạo đức nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến khẳng định, trong cuộc chạy đua thông tin gay gắt giữa báo chí và mạng xã hội, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả không còn con đường nào khác là phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Bởi công chúng vẫn rất cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Nếu các cơ quan báo chí nỗ lực hơn để đem lại thông tin hữu ích, nhiều chiều thì không lo ngại vai trò báo chí bị lấn lướt. Công chúng chắc chắn không quay lưng với những thông tin chuẩn xác mà báo chí đem lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí nỗ lực xây dựng niềm tin với công chúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO