Cà phê đặc sản

Bình Minh| 20/03/2019 09:23

Là thủ phủ cà phê của cả nước khi chiếm tới 89,6% về diện tích, nhưng khi đề cập đến chuyện cà phê đặc sản nhiều người trồng cà phê lẫn doanh nghiệp chế biến cà phê ở khu vực Tây Nguyên đến nay vẫn còn khá bỡ ngỡ.

ADQuảng cáo

Cà phê đặc sản đã trở thành xu thế phát triển của thế giới, khi mà giá trị của nó mang lại gấp 5-10 lần so với sản phẩm cà phê thông thường. Xu thế của thời cuộc và hiệu quả từ cà phê đặc sản mang lại đã rõ, vấn đề đặt ra ở đây là phát triển cà phê đặc sản được làm như thế nào cho thực chất, tránh tình trạng dễ dãi trong việc gắn nhãn mác cà phê đặc sản làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chung.

Cà phê đặc sản trên thế giới được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó phát triển sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Singapore... Thị phần cà phê đặc sản chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê trên toàn cầu, nhưng có vai trò lớn trong dẫn dắt nâng cao chất lượng của toàn ngành cà phê. Cà phê đặc sản là các loại cà phê chất lượng cao hơn, có nguồn gốc rõ ràng, hương vị độc đáo và được liên kết đến một câu chuyện hấp dẫn.

Theo Hiệp hội Cà phê đặc sản Hoa Kỳ, trong thang điểm từ 1-100, cà phê cần phải đạt tối thiểu 80 điểm mới được coi là cà phê đặc sản. Thang điểm này được xây dựng theo nhiều tiêu chí, trong đó có các yếu tố liên quan đến thổ nhưỡng, mùi hương, độ chua, ngọt, chất lượng hạt và phương thức chế biến. Cà phê đặc sản là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, tức là cà phê khi đến tay người tiêu dùng chứ không phải là hạt cà phê, theo đó cà phê đặc sản là một sản phẩm đồ uống có chất lượng độc đáo, một hương vị riêng biệt, cá tính khác biệt và vượt trội so với cà phê thông thường.

ADQuảng cáo

Cà phê đặc sản hiện tại được giới sành cà phê xem như là một nghệ thuật ẩm thực bởi nó đặc biệt từ khâu sản xuất cho đến khâu pha chế. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang chỉ dẫn địa lý. Hiện tại, các quốc gia dẫn đầu về cà phê đều khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu.

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có đủ các điều kiện để phát triển cà phê đặc sản. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là đến nay nước ta vẫn chưa có bộ tài liệu chuẩn để hướng dẫn làm cà phê đặc sản, đặc biệt là trong chế biến. Người trồng cà phê hiện nay cũng đang lúng túng và rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, cũng như các tài liệu tập trung hỗ trợ khác. Vấn đề cốt lõi là người trồng cà phê, doanh nghiệp chế biến cà phê có nhận thức đầy đủ về làm cà phê đặc sản, cùng với đó là cơ chế chính sách kèm theo, nguồn vốn hỗ trợ ra sao để các cá nhân, đơn vị tự tin phát triển cà phê đặc sản. Qua thực tế, để phát triển cà phê đặc sản, các vấn đề mang tính then chốt hiện nay là vùng miền rõ ràng, giống chất lượng cao, quy trình canh tác, chế biến đạt chuẩn theo quy định...

Các nước trồng cà phê lớn trên thế giới như Brazin, Indonesia và một số nước châu Phi đã đi trước chúng ta một bước khá dài trong phát triển cà phê đặc sản và hiệu quả kinh tế mang lại đối với các quốc gia này rất lớn. Vì thế, để nâng cao hiệu quả của ngành hàng cà phê, hướng sản xuất, chế biến cà phê theo xu thế của quốc tế, việc sớm có chiến lược phát triển cà phê đặc sản là hết sức cần thiết. Việc nhanh chóng vào cuộc, phát triển cà phê đặc sản ở Việt Nam về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà phê đặc sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO