Cam kết giảm nghèo

Tường Mạnh| 08/09/2017 08:19

Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, lần đầu tiên, lãnh đạo các huyện, thị xã phải ký cam kết thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của địa phương mình. Động thái này một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo và xem đây là “pháp lệnh”, chứ không phải hô hào chung chung.

ADQuảng cáo

Giảm nghèo là một trong những chỉ tiêu không đạt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2016 cũng như 6 tháng đầu năm 2017. Theo đó, hết năm 2016, số hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn tới 28.739 hộ, chiếm 19,20% tổng dân số, chỉ giảm được 0,06% so với năm 2015 (19,26%). Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,14%, cũng chỉ giảm được 0,06%. Như vậy, kết quả giảm nghèo không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra là mỗi năm giảm 2% hộ nghèo.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa III mới đây, công tác giảm nghèo là một trong những vấn đề nổi cộm đã được đưa ra thảo luận, phân tích, “mổ xẻ”. Nhiều ý kiến cho rằng, việc liên tục không đạt kế hoạch trong công tác giảm nghèo cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân cũng như xem xét, đánh giá lại cách thức thực hiện. Thực tế cho thấy, tỉnh đã có rất nhiều chương trình, dự án đầu tư cho công tác giảm nghèo. Riêng năm 2016, tổng kinh phí đã bố trí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 802 tỷ đồng là một nguồn vốn không nhỏ.

Thế nhưng, tỷ lệ hộ nghèo xem ra “vẫn giẫm chân tại chỗ” là điều thật sự đáng buồn. Nhiều ý kiến cho rằng, khâu lồng ghép các chương trình, dự án không chặt chẽ, rời rạc nên không hiệu quả. Hiện nay, tỉnh ta có tình trạng người dân “thích nghèo”, thích được xét công nhận hộ nghèo, thích ở thôn nghèo, xã nghèo. Điều này chứng tỏ, việc thực hiện công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền chưa thật sự đến nơi, đến chốn. Vì vậy, một bộ phận người dân vẫn cứ “thích nghèo”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ngày càng tăng là do việc xét hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nên nhiều hộ không đủ tiêu chuẩn thoát nghèo…

ADQuảng cáo

Thảo luận, phân tích nhiều, mọi ý kiến xem ra đều “có lý có tình”, nhưng quan trọng hơn cả là nếu không có giải pháp khắc phục thì việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, mục tiêu trước mắt mà toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2017 giảm trên 2% số hộ nghèo cũng sẽ khó đạt.

Vì vậy, việc lãnh đạo các huyện, thị xã phải ký cam kết thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo được xem là một trong những giải pháp của tỉnh để thúc đẩy công tác giảm nghèo trong thời gian tới. Cụ thể, các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Chư Jút và Krông Nô mỗi năm cam kết giảm từ 2-2,5% hộ nghèo; các huyện Tuy Đức, Đắk Glong giảm từ 4 -5% hộ nghèo; thị xã Gia Nghĩa giảm từ 0,3-0,5%.

Tuy nhiên, cam kết là một chuyện, điều mà tỉnh cũng như người nghèo mong mỏi nhất, đó là những cam kết đó phải đi vào thực tiễn, bằng những biện pháp khả thi, hiệu quả. Ở đây, xin nhắc lại phát biểu của đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa III: “Đây là một nhiệm vụ chính trị, nếu không đạt kế hoạch giảm 2% số hộ nghèo vào cuối năm 2017 thì phải xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cũng như xem xét trách nhiệm cụ thể đối với các cấp, các ngành liên quan”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam kết giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO