“Chạy” vào cơ quan nhà nước và vấn đề tinh giản biên chế

Vũ Hà| 19/06/2017 10:18

Trong đời sống xã hội, chưa bao giờ ngôn ngữ giao tiếp, từ “chạy” lại phổ biến như hiện nay. Cũng chưa bao giờ từ chạy lại bị tha hóa, biến thái về ngữ nghĩa như vậy. “Chạy” là từ ngữ chỉ một động thái vận động của con người, nhưng nay trong quan hệ xã hội nó được mang thêm một hàm nghĩa xấu, để chỉ hành vi tiêu cực, vụ lợi, bất minh.

ADQuảng cáo

Hiện nay, mặc dù lương của cán bộ, công chức còn thấp, đời sống còn khó khăn nhưng vẫn có nhiều người muốn "chạy" vào làm tại các cơ quan nhà nước. Tại sao có tình trạng nói trên? Nền công vụ của nước ta khi được vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, cán bộ, công chức sẽ được hưởng lương suốt đời. Việc được vào biên chế sẽ khiến người ta yên tâm và tự mãn vì biết tương lai của mình sẽ được ổn định. Khi tìm được công việc tốt hơn, họ có thể xin chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác mà vẫn hưởng nguyên các chế độ chính sách, tiền lương và thụ hưởng "khoản phụ cấp" đáng kể.  

Về thu nhập, đời sống, mặc dù đồng lương của những người làm trong nhà nước không cao nhưng ổn định và nhàn nhã, ít cạnh tranh lại vừa có nhiều thời gian "rảnh" hơn làm cho tư nhân... Để là công chức suốt đời chỉ làm theo quy định, quy trình một cách máy móc mà không cần phải gắng sức và sáng tạo. Do đó, hiện nay không ít người yếu kém về trình độ, năng lực, nhưng không mấy người bị đuổi việc. Tâm lý không ít người là làm cán bộ nhà nước được tiếng "oai”, người có chức vụ thì có thể  giúp đỡ anh em, họ hàng theo kiểu "một người làm quan, cả họ được nhờ".

Vì tìm mọi cách để vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, không muốn tìm cơ hội, phát huy khả năng ở các đơn vị ngoài nhà nước, dẫn đến tình trạng chạy việc diễn biến phức tạp. Bởi vậy, thay vì làm các công việc ngoài nhà nước, nhiều người thụ động chờ cơ hội để vào cơ quan nhà nước, hoặc tìm cách đi "cửa sau". Tình trạng nêu trên là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy nhà nước ngày càng phình to. Cũng chính từ đó làm cho việc thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế đến năm 2021 trở nên hết sức khó khăn.

ADQuảng cáo

Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thực hiện tốt, có hiệu quả việc tinh giản biên chế theo tinh thần nội dung của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó giúp bộ máy nhà nước ngày càng năng động, đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội trong tình hình mới và góp phần ngăn chặn tình trạng “chạy” vào cơ quan nhà nước?

Trước hết, cần xem xét lại tình trạng bao cấp biên chế như hiện nay và chuyển đổi tư duy quản lý cán bộ, công chức thành quản lý người lao động là một hướng đi đúng đắn. Điểm mấu chốt của việc tinh giảm biên chế là phải tiến hành đồng bộ với các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách mạnh khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công.

Thứ nữa, cần tạo sự đồng bộ trong tinh giản biên chế với viêc xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính một cách chặt chẽ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất phức tạp của công việc và các vị trí việc làm.

Đặc biệt, đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, trung thực về kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Xây dựng thang đo, tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số có khả năng lượng hóa về kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; phải thực sự công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chạy” vào cơ quan nhà nước và vấn đề tinh giản biên chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO