Của cho không bằng cách cho

Hoàng Bảo| 12/04/2017 09:53

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, hoặc khi được tỉnh vận động, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đều tổ chức tặng quà cho bà con nghèo, nạn nhân chất độc da cam, dân tộc thiểu số…

ADQuảng cáo

Qua nhiều chuyến tham gia tuyên truyền về hoạt động này, chúng tôi nhận thấy, so với những năm trước đây, phương thức tặng quà đã có nhiều thay đổi, nhất là cách tặng đúng nghĩa vì người dân vùng khó.

Đoàn từ thiện TP. Hồ Chí Minh trao quà tận tay người nghèo, dân tộc thiểu số ở Gia Nghĩa

Một thực tế cho thấy, số quà nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là ở cách cho. Nếu như những năm trước, việc tặng quà phải hô hào, lãnh đạo xuống tặng đại diện một vài hộ dân, sau đó giao lại cho địa phương rồi về thì nay khác hẳn. Có những địa điểm tặng quà, trời nắng nóng do tổ chức ngoài trời, nhưng những người đi tặng vẫn nán lại để trao tận tay người cuối cùng. Không còn chuyện đọc danh sách lên xếp hàng nữa, thay vào đó, chính lãnh đạo, những người đi tặng lại trực tiếp xuống tận nơi bà con đứng để tặng.

Tay tặng, miệng chúc mừng bà con sức khỏe, làm ăn tốt hơn để sớm thoát khỏi đói nghèo như tiếp thêm cho họ tinh thần, động lực để tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Các đợt tặng quà cũng không còn cảnh lộn xộn, hay chen lấn xô đẩy mà rất trật tự với cung cách “Người già, trẻ em ưu tiên nhận trước, người khỏe mạnh nhận sau”…

ADQuảng cáo

Cứ như vậy, hàng chục ngàn suất quà đã được phát đến tận tay người nghèo. Mặc dù trị giá mỗi phần quà không lớn, nhưng giá trị tinh thần mà nó mang lại thì không thể đo đếm. Bởi ngoài chuyện nhận quà, người nghèo có gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi những tâm tư suy nghĩ với những người thực sự quan tâm đến mình.

Cũng ở cách cho, chúng tôi ấn tượng với việc tặng quà của Đoàn từ thiện TP. Hồ Chí Minh ở địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Hôm đó, dù trời mưa, nhưng khi đến địa điểm tổ chức tặng quà, các nhà hảo tâm nhanh chóng bắt nhịp.

Con đường vào thôn Nghĩa Tín, xã Quảng Thành khó đi, xe chở hàng không vào được, phải nhờ xe cày, xe máy để vận chuyển quà lên nơi tổ chức. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại vì bưng bê quà, nhưng vẫn mỉm cười, nói bà con thông cảm, ngồi vào chỗ mát để sắp xếp quà. Tấm lòng của họ được bà con rất trân trọng, không ai bảo ai, nhiều hộ dân cũng xắn tay áo để cùng làm.

Đáng trân trọng hơn, các thành viên trao quà cho bà con bằng cả tấm lòng, sự trân trọng, sẻ chia với người nghèo, tay trao quà, miệng chúc mừng từng người. Có những em bé đi chân không, theo mẹ nhận quà, một thành viên trong đoàn cố lục tìm đôi dép vừa cỡ chân để mang cho em. Đối với những cụ già, người lớn tuổi, họ nhiệt tình hỏi nhà có em nhỏ không để lựa chọn những bộ quần áo phù hợp, tránh tình trạng cho nhưng không mặc được…

Có thể nói, với bà con nghèo vùng khó thì có được những món quà nhỏ cũng ý nghĩa lắm, bởi nó còn là động lực, khích lệ họ cố gắng hơn trong lao động sản xuất. Điều mà bà con mong muốn nhất chính là cách cho như thế nào để người nhận và người cho đều vui vẻ, thân tình, không hình thức, trịnh trọng, ban phát, hay hình thức chiếu lệ. Và chúng tôi, những người làm công tác tuyên truyền cũng cảm thấy ấm lòng hơn khi việc tặng quà ngày càng đi vào thực chất, chứ không tô hồng, bày vẽ. Quả thật, quà nhiều hay ít không quan trọng bằng cách cho, cách tặng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Của cho không bằng cách cho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO