Đạo đức người lái

Bình Minh| 15/01/2019 10:14

Trong những ngày đầu năm mới 2019 liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người chết tức tưởi.

ADQuảng cáo

Điều đáng lo ngại là nhiều vụ tai nạn giao thông, tài xế sử dụng chất kích thích trong lúc lái xe dẫn đến không làm chủ được thần kinh, gây ra những vụ tai nạn khảm khốc. Hiện nay, dư luận hơn lúc nào hết rất quan tâm đến nghề lái xe, nhất là đối với xe container. Bên cạnh vấn đề kỹ năng, kinh nghiệm, sức khỏe của lực lượng hành nghề này, vấn đề đạo đức của các tài xế là vấn đề đáng bàn.

Đạo đức nghề nghiệp là sự thể hiện những phẩm chất đạo đức người làm nghề, hành vi ứng xử với khách hàng, với xã hội nhằm đem lại lợi ích cho người khác và cho xã hội. Lâu nay nghề lái xe chưa được coi trọng đúng mức nên nhiều lái xe chưa có trách nhiệm thực sự với việc làm và hành động của mình. Những vụ tai nạn giao thông đường bộ thường có nguyên nhân chủ yếu do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật, sử dụng chất kích thích.

Tác nhân của những vụ tai nạn thương tâm ấy chính là tay nghề, trách nhiệm, đạo đức của người lái xe. Thực chất của vấn đề không chỉ nằm ở việc giáo dục trong các trường đào tạo lái xe, bởi một khóa học thường chỉ kéo dài 6 tháng. Điều cốt yếu nhất là đạo đức người lái xe phải được giáo dục ngay từ gia đình và xã hội. Nếu không có nền tảng đạo đức tốt và được giáo dục từ khi còn nhỏ thì khi ra nghề, người lái xe rất dễ “nhiễm” những thói hư, tật xấu và hình thành thói quen vô trách nhiệm. Một thực tế hiện nay là áp lực tạo việc làm cho số đông thanh niên chưa có việc làm nên việc học và ra nghề lái xe cũng rất đơn giản.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ giám sát đạo đức người lái, nâng cao trách nhiệm của lái xe với cộng đồng.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, để có đạo đức nghề nghiệp, người lái xe phải qua quá trình rèn luyện, thử thách. Bản thân người lái xe ngoài việc thường xuyên tự học, tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình với xã hội, cần hiểu rõ các quy định của pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Việc nâng cao đạo đức nghề lái xe là yêu cầu bắt buộc để xây dựng văn hóa giao thông. Đây cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người dân khi tham gia giao thông.

Cùng với việc siết chặt quản lý của các đơn vị, cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và toàn xã hội để xây dựng môi trường văn hóa giao thông lành mạnh, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người tham gia giao thông.

Năm 2019 được lấy là “Năm An toàn giao thông quốc gia”, với mục tiêu là phấn đấu giảm từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương. Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp Nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và công tác tuần tra, kiểm soát trong bảo đảm an toàn giao thông.

Rõ ràng, bên cạnh việc tập trung siết chặt quy định về quản lý thời gian lao động và khám sức khỏe của tài xế, việc xử lý nghiêm những nhà xe ép tài xế chạy xoay vòng nhanh để hưởng lợi sẽ được cơ quan chức năng xử lý trong thời gian tới. Thế nhưng, vấn đề cốt lõi nhất đối với tài xế, nhất là tài xế container hơn lúc nào hết cần phải có đạo đức trong quá trình làm nghề và trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo đức người lái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO