Đề cao tính cấp bách trong hỗ trợ thiên tai

Hồ Dân| 05/10/2016 09:40

Thời gian qua, Tòa soạn Báo Đắk Nông nhận được khá nhiều phản ánh (qua đường dây điện thoại nóng và đơn thư phản ánh) của người dân trong tỉnh về những bất cập, tiêu cực trong việc hỗ trợ thiệt hại do hạn hán gây ra trong những năm qua.

ADQuảng cáo

Qua phản ánh của người dân, cũng như tìm hiểu thực tế cho thấy tình hình trên xảy ra tập trung ở một số địa phương như Krông Nô, Đắk Song, Đắk R’lấp.

Nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực, bất cập là những cán bộ thôn, bon, xã được hỗ trợ lợi dụng chính sách để tư lợi cá nhân và họ hàng. Dẫn đến tình trạng mất dân chủ, công bằng trong việc rà soát, kê khai đối tượng, diện tích bị thiệt hại do hạn hán; bỏ lọt, bỏ sót những trường hợp bị thiệt hại, được nhận sự hỗ trợ của nhà nước. Đã xảy ra không ít hiện tượng cán bộ cơ sở vì lợi ích cá nhân đã kê khai khống, tăng diện tích đất và cây trồng bị thiệt hại cho cá nhân, người thân gây bức xúc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy ngân sách nhà nước còn khó khăn, song Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt đối với người dân là hộ nghèo, hộ neo đơn, vùng khó khăn gặp thiên tai…Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ thời gian qua khá rõ ràng “không để một người dân nào ở vùng bị thiên tai hạn hán, bão lụt bị đói” đã thể hiện rõ quan điểm, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Ngoài việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ lương thực, thực phẩm cứu đói kịp thời người dân vùng bị thiên tai, Chính phủ đã bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương giúp dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất.

ADQuảng cáo

Đối với tỉnh ta, liên tiếp trong các năm gần đây đều bị ảnh hưởng hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ Đắk Nông vụ đông xuân 2014 – 2015 là 14,9 tỷ đồng; hè thu năm 2015: 17,6 tỷ đồng; đông xuân năm 2015 – 2016: 18,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do công tác tham mưu, tổ chức hỗ trợ của địa phương, sở ngành liên quan còn chưa tích cực, cứng nhắc, chưa bám sát thực tiễn cuộc sống nên các nguồn hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ đến với người dân bị thiệt hại chậm trễ, làm giảm tính hiệu quả, kịp thời trong việc ổn định đời sống, sản xuất.

Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số bất cập như: Chưa chú trọng tính dân chủ, công bằng; giám sát…nên phát sinh những tiêu cực từ bản thân những người được giao nhiệm vụ thi hành chính sách của nhà nước.

An sinh xã hội, đặc biệt đối với những vùng bị ảnh hưởng do thiên tai đều mang tính cấp thiết, cấp bách. Nếu những đơn vị, cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc hỗ trợ không tích cực, thấu hiểu nỗi khổ, vất vả của người dân bị ảnh hưởng thì tất sẽ cứng nhắc, hành chính, thiếu linh hoạt, làm giảm ý nghĩa, tính cấp bách của chính sách. Riêng đối với những cá nhân, đơn vị lợi dụng chính sách để thu vén thì cần phải làm rõ, nghiêm trị nhằm đề cao ý nghĩa, tính cấp thiết, nhân văn của chính sách an sinh xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao tính cấp bách trong hỗ trợ thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO