Gìn giữ giá trị cốt lõi của Tết Trung thu

Bình Minh| 30/09/2020 08:35

Trung thu đến với nhiều xúc cảm của không chỉ các em nhỏ mà cả các bậc phụ huynh. Các loại bánh Trung thu, đèn ông sao trưng bày tại các cửa hàng, từng đoàn múa lân biểu diễn rộn ràng... mang lại niềm vui và nhắc nhớ những giá trị cốt lõi của Tết Trung thu.

ADQuảng cáo

Tuy vậy, thời gian gần đây, các hoạt động tổ chức Tết Trung thu đang bị thương mại hóa, khân sấu hóa  khiến cho những giá trị tốt đẹp nhất của cái tết dành riêng cho trẻ em bị lệch lạc hoặc lợi dụng.

Ảnh minh họa

Những Tết Trung thu gần đây có không ít những đoàn múa lân được tổ chức bài bản nhưng không phải lập ra để phục vụ vui chơi cho các em nhỏ mà chủ yếu làm để kinh doanh, kiếm tiền. Hình ảnh đoàn múa lân sẵn sàng chặn đầu xe giữa đường để biểu diễn xin tiền hay xông thẳng vào các nhà hàng, quán xá, thậm chí vào tận nhà người dân múa và buộc những nơi đây trả tiền không phải là hiếm gặp. Tết Trung thu còn bị lợi dụng để một số tổ chức, cá nhân tặng quà, biếu xén vì những lợi ích của người lớn trong các mối quan hệ.

Chúng ta cần hiểu rõ, gìn giữ những giá trị cốt lõi của Tết Trung thu để qua đó giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ hơn cho trẻ em. Trung thu vốn là tết của trẻ em, đấy là nét độc đáo, phản ánh tư tưởng nhân văn trong văn hóa Việt Nam khi dành hẳn một cái tết cho trẻ em. Tinh thần cốt lõi của Tết Trung thu là sự tôn trọng, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, thể hiện ở ý nghĩa là “tết đón trăng”.

ADQuảng cáo

Thời tiết mát mẻ là điều kiện tuyệt vời để con người thưởng thức thiên nhiên. Những không gian ấy cần được giữ gìn, đặc biệt là ở thành phố, để trẻ em có thể cảm nhận được cái đẹp của mùa thu, của Tết Trung thu truyền thống. Đấy là một sản phẩm tuyệt vời của thiên nhiên mà hiện nay không ít người đã quên đi. Giá trị cốt lõi của Trung thu còn là thưởng ngoạn thiên nhiên - một thú vui của các tao nhân mặc khách xưa kia.

Quan trọng là phải làm thế nào để trẻ được hòa mình và cảm nhận rõ không khí Tết Trung thu và thiên nhiên. Điều này đòi hỏi vai trò của cộng đồng, bắt đầu từ các gia đình, cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị... với nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của gia đình và cộng đồng để tổ chức cho trẻ những Tết Trung thu mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc chứ không thể mang tính hình thức.

Giá trị cốt lõi của Tết Trung thu truyền thống là sự tôn trọng thiên nhiên, được ví là “tết đón trăng”, người lớn bố trí không gian để trẻ được hòa mình vào và cảm nhận rõ thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết như thế nào với con người. Điều này đòi hỏi khi tổ chức phải có hình thức phù hợp, không lệ thuộc vào hình thức sân khấu hóa hoặc biến thể quá mức trò chơi truyền thống.

Giá trị cốt lõi của Tết Trung thu là những việc làm giàu tính nhân văn, nhân ái dành cho trẻ em. Câu chuyện này đặt ra vấn đề là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình cần tiếp nối và giữ gìn giá trị ấy, không để lối sống thực dụng, hoạt động thương mại hóa xâm chiếm, để những điều tốt đẹp trong dịp Tết Trung thu tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ giá trị cốt lõi của Tết Trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO