Hãy lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em!

Tường Mạnh| 12/05/2017 09:29

Chủ đề của “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2017 trên địa bàn tỉnh được xác định là “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

ADQuảng cáo

Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em không phải là vấn đề mới, nhưng trở thành chủ đề của “Tháng hành động vì trẻ em” năm nay cũng xuất phát từ việc thời gian gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo số liệu của ngành chức năng, mỗi năm trên cả nước có trên 1.000 vụ bạo lực, xâm hại  trẻ em xảy ra. Chỉ tính trong quý I/2017, cả nước có 33 vụ xâm hại trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội, lo lắng cho các gia đình có trẻ em gái.

Thế nhưng, việc xử lý một số vụ việc lại không kịp thời, gây bất bình trong nhân dân, bức xúc trong xã hội và vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan hành pháp, tư pháp cần tăng cường giám sát công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên.

Đặc biệt, trung tuần tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo thực hiện những giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh bị xâm hại.

ADQuảng cáo

Về phía tỉnh, trong kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, UBND tỉnh cũng chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần ưu tiên tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng. Điều đáng chú ý, tỉnh cũng nêu lên thông điệp truyền thông: Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; gọi điện để lên tiếng tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thông điệp được nêu lên cũng xuất phát từ nguyên nhân do sự im lặng của gia đình nạn nhân, của cộng đồng, của cơ quan chức năng... đã khiến nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em không bị phơi bày ra ánh sáng, nên kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Có một thực tế, nạn nhân và gia đình thường im lặng, bởi vì nếu nói ra, họ sợ đứa trẻ đó sẽ không có tương lai. Nếu sự việc vỡ lở, có khi gia đình nạn nhân còn buộc phải rời khỏi quê hương để không còn ai nhớ đến họ hay nhắc lại chuyện đau lòng đó nữa.

Nguyên nhân một phần là do trong xã hội vẫn còn có những định kiến, cách nhìn, đối xử không hay, hay nói một cách khác là “không bình thường” đối với những nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục.

Rõ ràng, khi thấy trẻ em bị bạo lực, xâm hại, ai cũng đau lòng, nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động. Vì vậy, các gia đình, cộng đồng xã hội phải lên tiếng để đòi công bằng, góp phần ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, việc xử lý các trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em cần phải thật nghiêm minh để làm bài học cảnh báo cho những kẻ khác. Về phía các gia đình cũng cần học cách bảo vệ con em mình cũng như dạy cho con cái biết cách tự bảo vệ mình khỏi bị bạo lực, xâm hại. Xã hội cần phải chung tay, gắng sức để chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em càng sớm càng tốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO