Kê khai tài sản và những con số

Bình Minh| 14/11/2018 09:40

Đã 10 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng, dù các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 4.859 trường hợp kê khai tài sản nhưng qua kiểm tra chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực. Đây là một con số quá “khiêm tốn” trong khi thực tế tình trạng tham nhũng hiện nay đang là vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội.

ADQuảng cáo

Thực tế, chỉ sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Ðảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái quy định của nhà nước. Ðáng chú ý, tiền và tài sản được kê biên, thu giữ từ một số vụ án tham nhũng, án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng rất lớn.

Một số vụ điển hình như vụ án Giang Kim Ðạt, cơ quan chức năng đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn kê biên hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Ðông Á kê biên hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) thu hồi hơn 6.000 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh thu hồi hơn 45 tỷ đồng và vụ AVG thu hồi hơn 8.500 tỷ đồng…

ADQuảng cáo

Từ thực tế nêu trên đặt ra vấn đề, tại sao việc kê khai tài sản đã được thực hiện đúng quy định, nhưng kết quả chưa phản ánh đúng thực tế, chưa góp phần hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Phải chăng quy trình cũng như cơ chế kiểm soát việc kê khai tài sản còn thiếu chặt chẽ? Kết quả từ việc chỉ đạo quyết liệt công tác chống tham nhũng của Trung ương Ðảng thời gian gần đây cho thấy rõ nhiều người kê khai tài sản không trung thực. Trong khi công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là khó khăn do có sự tẩu tán tài sản bằng cách nhờ người thân đứng tên quyền sở hữu, do đó khó phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng.

Để nâng cao hiệu quả của việc kê khai tài sản, nhiều ý kiến cho rằng nên tập trung quản lý và giám sát đối với đội ngũ cán bộ từ cấp vụ trưởng, cục trưởng trở lên, không nên dàn trải nhiều đối tượng. Quan trọng hơn, ngoài ý thức tự giác của người kê khai thì cần rà soát, bổ sung cơ chế giám sát chặt chẽ của Đảng, cơ chế giám sát của MTTQ, của Nhân dân, báo chí, truyền thông và tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan.

Được biết, Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Một điểm mới của dự thảo luật trình Quốc hội so với luật Phòng chống tham nhũng hiện hành là đã bổ sung, cụ thể hóa các đối tượng, hình thức xử lý kỷ luật đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Và, nói gì thì nói, vấn đề rất quan trọng là làm sao để người kê khai "buộc" phải kê khai tài sản trung thực, không có "cửa" cho sự gian dối khi bị chi phối về mặt đạo đức, pháp luật và công việc, vị trí của mình đang có.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kê khai tài sản và những con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO