Nâng tầm sản phẩm thổ cẩm

Bình Minh| 27/02/2019 09:35

Phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần phải nhìn ra khía cạnh kinh tế với những tiềm năng trong từng tấm thổ cẩm mà đồng bào đã cần cù làm ra với tất cả niềm tự hào về bản sắc văn hóa, nét đặc trưng riêng được chuyển tải bằng chất liệu thổ cẩm. Làm sao từ nay quà tặng của Thủ tướng và các vị lãnh đạo khi gặp các vị khách quốc tế, trong các chuyến công du là các sản phẩm thổ cẩm từ 54 dân tộc anh em. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, ngành thời trang… cần có trách nhiệm nghiên cứu, đưa ra các giải pháp sáng tạo để phát huy các giá trị vốn có của nghề dệt thổ cẩm.

ADQuảng cáo

Nhấn mạnh của Thủ tướng không chỉ đơn thuần là “đơn đặt hàng”, mà là một gợi mở hướng đi cho nghề dệt thổ cẩm khá thú vị: Phát huy giá trị văn hóa này theo khía cạnh kinh tế gắn với phát triển du lịch. Thế nhưng để làm được điều này là cả một câu chuyện dài với nhiều vấn đề cần tính tới như phát triển vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm và xúc tiến thị trường đầu ra gắn với phát triển du lịch...

Trước hết đối với nguồn nguyên liệu, hiện nay, nguồn nguyên liệu tự nhiên cho nghề dệt thổ cẩm luôn lâm vào tình trạng khó khăn. Do nguồn sợi, vải làm từ bông vải, lụa ngày càng khan hiếm, thuốc nhuộm từ vỏ cây rừng cũng khó kiếm nên dệt thổ cẩm bằng chất liệu tự nhiên là rất khó khăn. Theo các chuyên gia tư vấn, để vận động bà con ở các vùng địa phương tham gia chương trình phá triển nguồn nguyên liệu, việc đầu tiên cần phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị như hội nông dân, hội phụ nữ, hợp tác xã nông nghiệp và làng nghề... Thông qua các tổ chức này mới có thể lựa chọn quỹ đất trồng dâu, trồng lanh, lựa chọn các hộ gia đình tham gia vào một số công đoạn sản xuất.

ADQuảng cáo

Vấn đề phát triển sản phẩm đòi hỏi sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, cộng đồng người dân, chủ nhân của sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đầu tư về vốn, máy móc, liên kết các cơ sở, nhóm hộ với nhau và xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ chú trọng đến việc giữ bản sắc của văn hóa thổ cẩm mà doanh nghiệp kết hợp song song giữa thủ công với công nghiệp. Chỉ tính việc cải tiến khung dệt thủ công truyền thống cho khổ vải rộng hơn ở một số doanh nghiệp, hợp tác xã gần đây cho thấy, tốc độ dệt đã hơn rất nhiều. Trước đây, một chiếc áo, váy nếu dệt theo khung dệt thủ công loại nhỏ phải mất hơn 1 tháng mới dệt và may xong khiến cho giá thành đội lên rất cao thì hiện nay áp dụng khung dệt cải tiến cỡ lớn, vận dụng kỹ thuật may bằng máy nên một sản phẩm chỉ mất 2-3 ngày. Điều đó cho thấy, nghề dệt phải đi đôi với nghề may để nâng cao năng suất lao động.

Vấn đề tiếp nữa là nghề dệt, may thổ cẩm rất cần chú trọng trong khâu thiết kế để làm sao đa dạng hóa sản phẩm, mà quan trọng hơn là hiểu được nhu cầu của thị trường để từ đó vừa bảo tồn, phát huy, vừa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm sản phẩm thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO