Nguy hiểm thói xu nịnh

Vũ Hà| 25/12/2017 10:36

Xu nịnh tức khen ngợi quá đáng, bao hàm sự dối trá, nảy sinh từ quyền lợi riêng tư, Kẻ xu nịnh và người ưa nịnh là hai mặt của một vấn đề. Lẽ thường có kẻ nịnh bởi vì có kẻ ưa nịnh! Kẻ xu nịnh chỉ tìm kiếm lợi ích cho mình và nó sống được là nhờ vào những kẻ đã lắng nghe nó.

ADQuảng cáo

Thói xu nịnh có từ ngàn xưa cho đến nay, tuy không phải là một căn bệnh di truyền nhưng đã phát sinh ở nhiều nơi. Thông thường, chỉ có cấp dưới nịnh cấp trên, nhưng thực tế bây giờ có cả chuyện cấp trên nịnh cấp dưới và người cùng cấp cũng nịnh nhau. “Siêu” hơn, có người còn “mượn” cớ phê bình để xu nịnh, “hát bài ngợi ca” khi bình bầu thi đua, lấy phiếu tín nhiệm vì sợ bị hạ bệ, bị mất điểm.

Thói xu nịnh xưa nay, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường với kiểu “theo gió bẻ buồm”, “mượn gió bẻ măng”, “bé xé thành to”... Kẻ xu nịnh rất giỏi ứng biến, bất kể trường hợp nào cũng nịnh được và nịnh rất hay. Họ thường a dua theo đuôi người có quyền nhưng ưa nịnh để trục lợi, thăng quan tiến chức, bất chấp lẽ phải. Họ sẵn sàng uốn lưỡi, cong lưng, hạ mình thực hiện hành vi đê tiện, thấp hèn, lố bịch...

Một số người được nịnh thì nghĩ rằng, chẳng mất gì, lại ưa nghe lời ngon ngọt, say sưa sống trong cảm giác của kẻ bề trên. Từ đó, nó làm cho chính kẻ được nịnh xao lòng, mất bản lĩnh, không đánh giá đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dẫn đến đánh giá sai lệch cán bộ dưới quyền; người tốt không được trọng dụng, người xấu thì lấn lướt lộng quyền. Đây là nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, chia bè, kéo cánh làm suy yếu tổ chức...

Kẻ xu nịnh thường là loại người “thượng đội, hạ đạp”, thích báo cáo vẽ vời khoác lác, ba hoa. Đáng buồn là, không ít kẻ tiến thân bằng xu nịnh, được trọng dụng, cất nhắc, thăng quan tiến chức, thậm chí khi “lâm nạn” có thể được chở che. Con đường tiến thân của kẻ xu nịnh lại thường ít chông gai vì xu nịnh dùng lời đường mật dễ thấm vào lòng người. Và hệ lụy của nó là, có người thân bại danh liệt bởi kẻ xu nịnh dèm pha, xúc diểm.

ADQuảng cáo

Kẻ xu nịnh và người ưa nịnh là đôi bạn “đồng hành” kết thành phe cánh, tạo nguồn lợi đối tác cho nhau. Thế nên, những ai không “hát cùng nhịp” sẽ trở nên “lạc đàn”, sớm muộn có thể sẽ bị loại dần. Từ xu nịnh sẽ sinh ra lợi ích nhóm, bè phái, cục bộ, chia rẽ, lợi dụng cơ hội để trục lợi, thăng tiến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nguy hiểm…

Bộ mặt thật của kẻ xu nịnh không khó để nhận diện nhưng tránh được chiêu trò cung phụng, tán dương, đường mật, vô tình ngấm men say rồi lạc vào mê cung thì không dễ, nhất là hiện nay, xu nịnh thường đi với quà cáp, biếu xén... Suy cho cùng, người nịnh và kẻ được nịnh đều tự làm mất nhân cách của mình, vì đây là hành vi phản văn hóa.

Nịnh và ưa nịnh vẫn còn đất sống màu mỡ. Điều này chứng tỏ công tác phê bình và tự phê bình chưa tốt, trong sinh hoạt người ta chưa dám nói thẳng nói thật với nhau. Cảnh giác với những kẻ xu nịnh, từ xưa các cụ  khuyên: “Thuốc đắng dã tật", "mật ngọt chết ruồi”. Bài học lịch sử cho thấy, khắc tinh của nịnh thần chỉ có trung thần. Thế nhưng, yếu tố quyết định, đồng thời cũng là điều khó khăn nhất là làm thế nào người cầm cân nảy mực chọn được trung thần và không bị nhầm lẫn với nịnh thần.

Một triết gia nói rằng: “Trong số những con thú hoang dã thì con thú gièm pha là đáng sợ nhất, còn trong số những người trong nhà thì đáng sợ nhất là kẻ xu nịnh”. Hơn 70 năm trước đây, Bác Hồ đã viết cuốn sách nổi tiếng có nhan đề: “Sửa đổi lối làm việc”. Bác đã nêu lên khá nhiều khuyết điểm của không ít cán bộ, đảng viên, dẫn ra khá nhiều "căn bệnh", thói hư tật xấu, trong đó có "bệnh xu nịnh, a dua”.

Bác khẳng định: mắc những căn bệnh đó là do “kém tính đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”. Người căn dặn “chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”. Việc chống thói xu nịnh theo quan điểm của Bác cần phải được quán triệt sâu sắc để mọi người tự soi và sửa. Có người đề nghị, đưa xu nịnh vào luật để phòng chống, bài trừ và cũng là để cụ thể hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm thói xu nịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO