“Pháp trị” và lòng dân

Tường Mạnh| 27/10/2017 09:26

Tại buổi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri Hà Nội vào ngày 12/10, nhiều cử tri đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và kiến nghị Đảng tiếp tục mạnh tay xử lý tham nhũng. Có cử tri là cựu chiến binh đã khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc chiến không khoan nhượng và nhân dân luôn sẵn sàng đứng bên cạnh Đảng để loại bỏ những con sâu mọt của đất nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Chủ trương đánh tham nhũng của Đảng, Nhà nước vừa qua đã làm phấn chấn, yên lòng dân và cho thấy Đảng ta ngày càng "khỏe" hơn.

ADQuảng cáo

Trước hàng loạt ý kiến tâm huyết của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Mỗi lần tiếp xúc với các bác, các anh chị dù là thời gian ngắn, nhưng chúng tôi như được tiếp thêm sinh lực mới”. Tổng Bí thư cũng nhắn nhủ: “Đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để đổ vỡ. Đấu tranh để mọi người khác đừng đi qua vết xe đổ, chứ không phải để gây bất mãn trong xã hội. Không thể đánh một đòn, giập cho người ta không ngóc đầu dậy mà kỷ luật cốt để họ sửa để trưởng thành”.

Tại các buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông mới đây, nhiều cử tri ở các địa phương trong tỉnh cũng mong muốn Đảng, Quốc hội, Nhà nước cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt với tình trạng tham nhũng, lãng phí. Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, đại bộ phận cán bộ đều tốt, nhưng vẫn còn những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng, làm mất niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, Đảng, Quốc hội cần có các giải pháp, chế tài mạnh hơn nữa để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thực tế đó cho thấy, khi Đảng, Nhà nước “mạnh tay” xử lý nghiêm minh các vụ việc nổi cộm, có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dù người đó là ai, ở cương vị nào đã thực sự tạo lòng tin trong nhân dân. Bởi vì, lâu nay, điều nhân dân quan tâm, lo lắng, bất bình chính là mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, tính phức tạp và tác hại ngày một lớn.

ADQuảng cáo

Vấn đề tham nhũng, tiêu cực diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, có tính tổ chức chặt chẽ, móc nối chằng chịt trên, dưới, trong, ngoài và thường có “ô dù” che chắn, tạo dựng được thế lực, quyền lực, thao túng, công khai thách thức pháp luật và dư luận. Hậu quả do tham nhũng gây ra không chỉ làm thiệt hại lớn tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà còn làm đảo lộn những giá trị chuẩn mực về đạo đức, làm vẩn đục các mối quan hệ xã hội; làm cho nhân dân mất niềm tin, thậm chí oán trách Đảng và Nhà nước.

Diễn biến về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian gần đây cho thấy, quan điểm chỉ đạo của Đảng về kết hợp giữa “đức trị” và “pháp trị”, nhất là phải chú trọng đề cao “pháp trị” trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã được quán triệt và thực hiện hết sức quyết liệt. Rõ ràng, để tạo ra sự đột phá trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng không còn dừng lại ở việc kêu gọi, giáo dục, thuyết phục mà đang đề cao vai trò “pháp trị”. “Pháp trị” ở đây được thể hiện rõ bằng việc Đảng, Nhà nước xử lý quyết liệt, nghiêm minh các vụ việc nổi cộm, liên quan đến ai xử đến đó, với phương châm “không có vùng cấm”, theo đúng kỷ cương, phép nước, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đảng, Nhà nước đề cao “pháp trị”, nhân dân đồng tình, ủng hộ là động lực, điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả cao hơn nữa. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các tầng lớp nhân dân tiếp tục sát cánh cùng với Đảng, Nhà nước, bằng việc mạnh dạn tố giác các biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Bởi vì, không có hành vi tham nhũng, tiêu cực nào lại có thể qua được "tai, mắt" của quần chúng nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Pháp trị” và lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO