Phát ngôn trên mạng xã hội

Bình Minh| 21/03/2018 10:45

Cập nhật trên các diễn đàn mạng xã hội, tôi cũng thấy nhiều bạn trẻ thi nhau bình luận về những vấn đề trong cuộc sống. Ở góc độ tích cực, đây là điều đáng mừng, đáng khích lệ. Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm hiện nay là tình trạng bình luận tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều với ngôn ngữ kém văn hóa.

ADQuảng cáo

Xem các trận bóng đá ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha qua mạng xã hội facebook, nhiều bạn trẻ phát ngôn thông qua bình luận khá thô tục, nói đúng ra là thiếu văn hóa, nhất là những thời điểm đội bóng yêu thích của họ đang bị thua trận. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip một nhóm công an giao thông ở TP.Hà Nội có những biểu hiện nhận hối lộ của người dân, ngay lập tức có hàng chục ngàn bình luận chửi bới, xúc phạm đến nhân cách của những người này nói riêng và lực lượng công an giao thông nói chung.

Cách đây xa hơn một chút là việc GS.Bùi Hiền đưa công trình nghiên cứu cải tiến tiếng Việt của mình ra trình bày ở một hội thảo khoa học, sau đó được báo chí trích đăng lại. Ngay lập tức sau đó, không ít người đã lên mạng xã hội có những phát ngôn xúc phạm đến nhân cách của vị Giáo sư này. Sau sự việc này, ông ngại không dám truy cập vào mạng xã hội cá nhân hoặc tiếp xúc với truyền thông.

ADQuảng cáo

Chính vì thái độ dễ bức xúc, phát biểu những lời vô căn cứ, tự suy diễn nên đôi lúc, nhiều người trở thành con rối cho những trò “dắt mũi” của mạng xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật mà không hay biết. Thực tế, mạng xã hội hiện nay có khá nhiều trang núp bóng dưới chiêu thức “diễn biến hòa bình” khi đăng các clip bịa đặt hoặc làm trầm trọng vấn đề, sự việc đã diễn ra trước đó. Thế nhưng, nhiều người hình như không nhận thức được vấn đề này nên “lao” vào bình luận chửi bới, bàn tán với tốc độ chóng mặt mà không cần kiểm chứng.

Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) mới đây cho thấy, 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Cũng theo khảo sát của VPIS, 61,7% người dùng mạng xã hội từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Nạn nhân gần như bất lực, cách duy nhất có thể làm là yêu cầu gỡ thông tin sai trái trên.

Sử dụng mạng xã hội là quyền tự do của mỗi người. Thế nhưng, cái quyền này phải được giới hạn trong phạm vi khuôn khổ của pháp luật và những chuẩn mực của đạo đức xã hội. Trước tình trạng lạm quyền và phát ngôn không chuẩn mực nên rất cần được xã hội quan tâm và cùng đề xuất những giải pháp quản lý hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát ngôn trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO