Phục hồi phát triển sau dịch

Bình Minh| 29/09/2021 09:09

Thời gian qua, Đắk Nông đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và trở lại trạng thái bình thường mới. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của chúng ta hiện nay là vừa bảo vệ thành quả trong công tác phòng chống dịch, vừa tập trung khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

ADQuảng cáo

Động lực để phục hồi, tăng trưởng kinh tế, xã hội phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại, kết nối thị trường và đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây chính là động lực cả trước mắt và dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cũng là các biện pháp mà Đắk Nông đã quyết liệt thực hiện kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2021.

Trong các yếu tố này, vốn đầu tư công là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Việc sử dụng hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành vừa đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao năng lực thu hút đầu tư của tỉnh. Trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh thì việc thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đến nay, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn diễn ra khá chậm. Tính đến ngày 16/9/2021, số vốn giải ngân vốn đầu tư của của tỉnh mới đạt 49,8% kế hoạch năm. Vì thế, cần quyết tâm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục để đẩy mạnh nguồn vốn quan trọng này nhằm đạt được mục tiêu mà tỉnh phấn đấu đề ra là 95% vào cuối tháng 12/2021.

Ảnh minh họa

ADQuảng cáo

Một vấn đề mà người dân và doanh nghiệp mong mỏi cấp thiết sau dịch hiện nay là nhanh chóng kết nối thị trường tiêu thụ nông sản xuống thị trường các tỉnh phía Nam. Các sản phẩm của Đắk Nông đang vào mùa vụ, có khối lượng lớn hiện nay là bơ booth, sầu riêng, dưa lưới, các loại rau xanh… đang rất cần nhanh chóng kết nối, vận chuyển tiêu thụ xuống TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Về những khó khăn do dịch bệnh đang "ngấm" ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, những giải pháp tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ là rất kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ, với tiêu chí dễ tiếp cận hơn để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Rõ ràng câu chuyện bắt tay ngay vào các nhiệm vụ phục vụ phát triển sau dịch đang đòi hỏi sự khẩn trương, quyết liệt và kịp thời. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng các nhiệm vụ nên tập trung vào 4 trụ cột chính: Từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số, gắn với đầu tư công; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời khuyến khích đầu tư; cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cụ thể hóa nhiều chính sách, với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đây là giải pháp kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phục hồi phát triển sau dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO