Suy nghĩ từ một lễ hội tự thân

Vũ Hà| 02/05/2018 10:09

Những năm gần đây tại một số nơi đã và đang có xu hướng sân khấu hóa lễ hội, làm giảm đi những giá trị văn hóa cổ truyền vốn có và vô tình tạo nên sự nhàm chán không chỉ người dân trong vùng có lễ hội mà ngay cả với du khách đến tham quan.

ADQuảng cáo

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, trong đó có lễ hội lâu nay thường do các cơ quan nhà nước hay ngành văn hóa đứng ra tổ chức. Những lễ hội này tốn nhiều kinh phí nhưng ít người xem, trong khi đó các lễ hội truyền thống "nguyên bản" do chính đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức thì ngày càng mai một, nếu không muốn nói là không có.

Thế nhưng khoảng bảy, tám năm trở lại đây có một số lễ hội cổ truyền do đồng bào dân tộc thiểu số tự tổ chức đã xuất hiện. Đó là lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Tày, Mông ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong. Đây là lễ hội truyền thống của người Tày (Lồng Tồng) và người Mông (chọi bò) được duy trì đều đặn vào dịp đầu tháng Giêng hàng năm. Lễ hội Lồng Tồng được người dân ở đây háo hức đón chờ, thu hút sự tham gia của gần như toàn bộ người dân xã Quảng Hòa và các xã xung quanh. Những lễ hội như thế này thường được gọi là những lễ hội “tự thân”.

Có nhiều điều đặc biệt từ lễ hội này làm chúng ta phải suy nghĩ. Trước hết đây là một lễ hội xuất phát từ yêu cầu tự thân của đồng bào. Đồng bào tự giác đứng ra tổ chức, tự chủ về nội dung, lễ thức, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và con người… Sau này chính quyền có sự hỗ trợ cho bà con về kinh phí và bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội. Điều đáng nói là, lễ hội này gần như có sự trình diễn của hầu hết các sinh hoạt văn hóa văn nghệ và các môn thể thao, trò chơi dân gian… Trong đó, nhiều người dân địa phương vừa tham gia tổ chức, thực hành các lễ thức, trình diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…, vừa là khán giả.

ADQuảng cáo

Hàng năm, để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, chính quyền và các ngành chức năng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như vui xuân, trong đó có lễ hội. Liên quan đến bảo tồn lễ hội, trước đây, chúng ta đã thực thi đề án bảo tồn văn hóa dân gian, mà lễ hội là một trọng tâm, tuy có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả của đề án rất thấp. Nói cách khác có tiền thì có lễ hội, hết tiền là hết lễ hội. Đây là những lễ hội được tổ chức theo kế hoạch và cách làm phong trào. Thực tế, những lễ hội này thường được sân khấu hóa, do cơ quan nhà nước tổ chức với khoản chi phí không nhỏ, nhưng số người tham dự lại không nhiều.

Nói vậy để thấy rằng, những lễ hội tự thân như lễ hội Lồng Tồng của bà con dân tộc Tày, Mông ở Quảng Hòa có ý nghĩa và giá trị như thế nào. Trước hết, trong khi lễ hội thời @ đã bị biến tấu, biến dạng thì lễ hội Lồng Tồng do bà còn đứng ra tổ chức theo đúng truyền thống nguyên bản và xuất phát từ nhu cầu tự thân, do đó lễ hội không hề bị sân khấu hóa. Đặc biệt nữa là, lễ hội Lồng Tồng đã thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia. Trung bình mỗi ngày diễn ra lễ hội Lồng Tồng, có đến trên 4.000 người dân tham gia, một con số mà những lễ hội do các cơ quan nhà nước tổ chức phải mơ ước.

Tại sao lễ hội Lồng Tồng đã thu hút đông đảo người dân như vậy? Các lễ hội cổ truyền, trong đó có lễ hội Lồng Tồng thường gắn liền với phong tục tập quán văn hóa với một yếu tố tâm linh của đồng bào nên lễ hội đó đối với họ rất thiêng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, có nội dung cụ thể phản ánh tâm tư tình cảm của con người… Bởi thế khi bước vào lễ hội với họ là bước vào cõi chân thiện mỹ với một tâm thế thoải mái và rất tự nhiên. Nhiệm vụ chủ yếu của những người tổ chức và tham gia lễ hội là khôi phục lại những gì mà các thế hệ từng tiến hành từ ngày xưa, chứ không phải là “diễn kịch lễ hội”.

Hiệu quả của bảo tồn văn hóa lễ hội chính là làm sao lễ hội ấy người dân phải là chủ thể với sự hỗ trợ của của chính quyền địa phương được tổ chức tại cơ sở theo đúng cách thức cổ truyền. Những lễ hội cổ truyền ấy hoàn toàn xa lạ với cái gọi là kịch bản, đạo diễn, diễn viên, sân khấu hóa…Quan trọng nhất là các lễ hội tổ chức có sắc thái gần gũi người dân hơn, lấy tiêu chí phục vụ nhân dân làm trọng, giúp người dân thật sự hiểu và tham gia tích cực với cương vị chủ nhân của lễ hội. Và lễ hội không chỉ là cơ hội mà còn là ngày hội đích thực cho dân chúng, đúng như tên gọi của nó từng tồn tại lâu đời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy nghĩ từ một lễ hội tự thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO