Văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội

Tường Mạnh| 11/11/2016 10:23

Trong bài phát biểu tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11) và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội vào tối 7/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Khi nói đến văn hóa doanh nghiệp người ta hay nhắc đến một khái niệm gọi là “trách nhiệm xã hội”. Các doanh nghiệp đi làm từ thiện, xây cầu, làm đường, xây trường… là rất tốt, đáng biểu dương, nhưng đó chỉ mới là một phần của “trách nhiệm xã hội”, mà một trong những điều cốt yếu làm nên trách nhiệm xã hội đó là cách kinh doanh, cách ứng xử với môi trường, với người lao động và tuân thủ pháp luật…

ADQuảng cáo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

Với phát biểu trên của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, để thể hiện, gánh vác được “trách nhiệm xã hội”, đòi hỏi doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân luôn phải có sự nỗ lực rất lớn. Không chỉ đơn thuần sản xuất, kinh doanh, đóng góp ngân sách mà muốn xây dựng hình ảnh của mình trên thương trường, doanh nghiệp phải có trách nhiệm lớn với xã hội, thể hiện văn hóa của doanh nghiệp.

Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách tỉnh nhà. Đội ngũ doanh nghiệp năng động, có ý chí làm giàu, có tư duy, tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm và luôn có tinh thần sáng tạo, ý thức làm giàu chính đáng.

ADQuảng cáo

Mặc dù khởi sự và phát triển trong điều kiện không dễ dàng, nhưng không ít doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, mạnh dạn đầu tư, tìm con đường phát triển phù hợp và bước đầu đạt được những thành công nhất định. Ngoài sự nỗ lực và thành công trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần chia sẻ với những người dân khó khăn, hoạn nạn. Qua đó cho thấy, đội ngũ doanh nghiệp luôn là lực lượng rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Đắk Nông ngày càng giàu đẹp.

Tuy nhiên, một điều cũng phải khẳng định, vẫn có một bộ phận doanh nghiệp đang thờ ơ hoặc nói một cách khác là không thể hiện vai trò, trách nhiệm với xã hội. Biểu hiện rõ nhất đó là trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp còn “vô tư” gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế, đối xử bất công với người lao động, người dân địa phương, thậm chí gây bất ổn cho trật tự an toàn xã hội. Nổi cộm như chuyện các doanh nghiệp chăn nuôi heo, chế biến gỗ, cao su, sắn... xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh, tạo sự bức xúc trong nhân dân.

Có doanh nghiệp khi được tỉnh cho thuê đất, triển khai dự án thì nóng vội trong việc giải quyết, thỏa thuận làm nảy sinh tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài, thậm chí xảy ra những vụ án nghiêm trọng. Có doanh nghiệp được giao đất, rừng, nhưng sau đó để cho rừng bị phá tan hoang hoặc sang nhượng đất trái pháp luật, gây dư luận xấu trong nhân dân. Không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh đã có những biểu hiện không lành mạnh trong quá trình lập dự án, triển khai hoạt động sản xuất.

Qua thực tế đó, doanh nghiệp phải hiểu rằng, để khai thác tiềm năng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tỉnh Đắk Nông luôn sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến địa bàn tỉnh làm ăn. Những nhà đầu tư, doanh nghiệp thực sự có ý tưởng làm ăn chân chính, có trách nhiệm với xã hội, góp sức xây dựng Đắk Nông phát triển sẽ được tỉnh trân trọng, sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Thế nhưng, tỉnh cũng kiên quyết loại trừ những doanh nghiệp có ý đồ xấu, làm ăn bất minh, vô trách nhiệm với xã hội, làm vẩn đục môi trường đầu tư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO