Việc làm cho con cái

Hồ Văn| 18/09/2017 09:22

Mấy hôm nay không biết thế nào mà lại nhận được mấy cái tin vừa vui vừa buồn của mấy người họ hàng ở nông thôn liên quan đến chuyện học hành, việc làm cho con cái. Dù vui hay buồn ngẫm nghĩ cũng là vấn đề gai góc, thời sự mà các bậc cha mẹ, xã hội chúng ta quan tâm.

ADQuảng cáo

Chuyện là ông anh họ ở quê vừa thông báo đứa con gái thứ hai chuẩn bị xuất khẩu lao động sang Nhật, nghe nói lương cũng khá, sau này làm thuần việc, ổn định cũng được vài ba chục triệu/tháng. Cháu học đại học quản trị kinh doanh ra trường loay hoay mấy năm nay không xin được việc dù đã mất đến trăm triệu đồng để lo liệu.

Dù vui, song anh chị cũng băn khoăn vì cháu là con gái, phải xa gia đình, đất khách quê người không biết thế nào. Biết lo lắng của anh chị, tôi đã lựa lời khuyên và động viên để cháu đi, thời gian dần sẽ quen, rồi cháu sẽ trưởng thành...

Liên quan đến chuyện học hành, việc làm cho con cái cũng thấy vui vì qua kỳ thi cao đẳng, đại học vừa rồi, nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh, ngay cả các em các cháu cũng đã thay đổi cách nghĩ về năng lực, sở trường, việc học và công việc. Không ít bậc phụ huynh đã thay đổi suy nghĩ, khuyên con cái nên chọn ngành học vừa năng lực, sở thích... chứ không nhất thiết phải vào đại học để làm... quan. Nhiều cháu bây giờ cũng tìm hiểu thông tin, can đảm chọn trường nghề mặc dù nhận được thông báo đậu của một số trường đại học...

Chuyện buồn là cũng một người thân ở vùng nông thôn than vãn con anh tốt nghiệp đại học tiểu học hơn ba năm nay nhưng vẫn chưa vào được biên chế. Anh là nông dân nên đất đai, tài sản làm ra theo con xin việc mấy năm nay,  chừng hơn 200 triệu đồng nhưng cũng chỉ được dạy hợp đồng. Năm học này con anh bị cắt hợp đồng, thương con, vợ chồng anh như “cháy lòng cháy dạ”, lại phải chạy vạy xin con dạy hợp đồng ở chỗ khác để tạm trấn an tinh thần cho cháu...

ADQuảng cáo

Cả một thời gian dài thể chế chúng ta chưa quan tâm nhiều đến nguồn lực con người nói chung và ngành giáo dục. Riêng về ngành giáo dục kết quả là chất lượng về nguồn nhân lực giảm sút trầm trọng, đào tạo không theo chiến lược, kế hoạch rõ ràng nên nguồn lực dôi dư nhưng kém chất lượng.

Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 giữa tháng 1/2017, ở một số tỉnh/thành, số lượng giáo viên THCS dư dôi mỗi tỉnh lên đến hàng ngàn. Còn theo một dự báo khác, đến năm 2020 sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên. Đây là nguyên nhân buộc các giáo viên phải “chạy” vào biên chế bằng mọi giá khiến xã hội phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng.

Trong khi Nhà nước đang tiếp tục chấn chỉnh, hoàn thiện thể chế về xây dựng, đào tạo và sử nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho hội nhập quốc tế, thì bản thân mỗi gia đình cùng con cái chúng ta cần tỉnh táo và thay đổi “ý thức hệ” về việc học hành, công việc hay chuyện thành danh của con cái sau này. Bởi mỗi con người sinh ra đều có “duyên”, “nghiệp” với công việc, nghề nghiệp gắn với sở trường, năng lực riêng.

Con em chúng ta cần có thông tin để định hướng, gợi mở các cháu chọn nghề nhưng không ép buộc. Một khi các cháu chọn đúng ngành học theo sở thích, sở đoản và phù hợp với sự phát triển của đất nước thì công việc sau này sẽ thuận lợi và hạnh phúc hơn khi làm đúng việc mình ưu thích. Không thể cứ ép hay muốn con cái mình phải nhất nhất là người của nhà nước, vào biên chế để làm cán bộ, làm quan, để nở mày nở mặt mà tạo ra thêm nhiều hệ lụy, tiêu cực trong xã hội; đồng thời cũng là áp lực nặng nề về tâm lý, tiền của cho bản thân, gia đình...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc làm cho con cái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO