Xây dựng đề án và yêu cầu chất lượng

Tường Mạnh| 06/04/2018 09:35

Tại Thông báo số 03/TB-HĐND về kết luận Hội nghị liên tịch thống nhất nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa III, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành được phân công khẩn trương xây dựng các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết đã được thống nhất có chất lượng, đúng quy trình, trình tự, thủ tục quy định và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

ADQuảng cáo

Thường trực HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, hồ sơ đề án, dự thảo nghị quyết gửi đến để thẩm tra phải đầy đủ, đúng thời gian quy định. Nếu báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết nào gửi chậm so với thời gian quy định, hồ sơ không đầy đủ, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh sẽ không xem xét, tổ chức thẩm tra. Sở dĩ như vậy là vì một trong những hạn chế kéo dài lâu nay tại các kỳ họp là một số báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết gửi về Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh còn chậm, chưa đúng thời gian quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu, tổ chức thẩm tra, thông qua.

Để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, tại các kỳ họp, HĐND tỉnh luôn phải thông qua rất nhiều nghị quyết. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận là không ít đề án, nghị quyết chưa có tính khả thi, triển khai thực hiện không được hoặc không đạt hiệu quả cao như mong muốn. Nguyên nhân phần lớn là do một số báo cáo, đề án trình còn chậm, chưa bảo đảm đầy đủ hồ sơ và trình tự, thủ tục quy định. Một số nội dung đề án, dự thảo nghị quyết chưa được chuẩn bị kỹ, chưa bảo đảm cơ sở pháp lý. Có những đề án trình ra mà các Ban HĐND tỉnh, đại biểu cũng như các cơ quan chức năng thừa hành hiểu được rõ ràng tất cả nội dung của nó không phải là điều dễ dàng.

ADQuảng cáo

Thực tế đó cho thấy, để những nghị quyết, chương trình, đề án có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống, triển khai có hiệu quả ở cơ sở thì điều quan trọng nhất là phải thật sự có chất lượng ngay từ khi xem xét, thông qua tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Muốn đề án có chất lượng cao, UBND tỉnh, cơ quan chức năng xây dựng đề án cần phải chuẩn bị cho thật kỹ càng, không nên vội vàng, tránh việc làm qua loa, đại khái. Khi xây dựng đề án, cơ quan chức năng phải xét tính khả thi của nó trong cuộc sống, phải khảo sát, đưa ra những luận chứng thực sự thuyết phục, lắng nghe các ý kiến phản biện của các Ban HĐND tỉnh.

Các Ban HĐND tỉnh cần tập trung theo dõi, nắm bắt thông tin thường xuyên về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng để kịp thời phục vụ công tác thẩm tra, giám sát. Đồng thời, các Ban HĐND tỉnh cũng cần phải mạnh dạn bảo vệ ý kiến, quan điểm thẩm tra của mình trong kỳ họp để thảo luận và đi đến sự thống nhất cao. Về phía đại biểu HĐND tỉnh cần phải hiểu được rõ ràng những nội dung mà các chương trình, đề án đưa ra tại kỳ họp và nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc xem xét, thẩm định đề án trước khi biểu quyết, thông qua, không nên quá ỷ lại cho các cơ quan chức năng, các Ban HĐND tỉnh.

Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh cũng chỉ nên tập trung xem xét, thông qua một số ít đề án thực sự có tính khả thi cao, nhưng phải làm cho kỹ, tránh chạy theo số lượng, làm cho có. Bởi vì, các kỳ họp của HĐND tỉnh không phải là nơi để làm nhiệm vụ “đóng dấu” cho các đề án trình ra. Qua đó, HĐND tỉnh thể hiện vai trò là cơ quan quyền lực, có tiếng nói quyết định quan trọng đến những vấn đề “quốc kế, dân sinh” của tỉnh. Có như vậy, các chương trình, đề án mới thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đề án và yêu cầu chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO