"Đánh thức" tiềm năng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Văn Tâm| 24/03/2017 10:38

Sau hơn 12 năm xây dựng và phát triển, Đắk Nông đang từng bước khẳng định vị trí trong ngành du lịch của khu vực Tây Nguyên khi sở hữu nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nổi bật, có bản sắc riêng đặc biệt phù hợp để khai thác du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

ADQuảng cáo

Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, bản sắc tộc nguồn phong phú, nhưng cho đến nay Đắk Nông vẫn chỉ là một điểm đến được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” đang chờ những nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch đến “đánh thức”.

Phong cảnh kỳ vĩ nên thơ của thác Đray Sáp (Krông Nô) là điểm đến của nhiều du khách

Tài nguyên du lịch phong phú

Trong những năm qua, cùng với đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, chính sách thu hút đầu tư vào ngành du lịch của tỉnh thì các sở, ngành, viện, trường đại học trong nước cũng đã tham gia xây dựng nhiều công trình khoa học, đề tài nghiên cứu, giúp ngành du lịch của tỉnh từng bước định hình và phát triển. Trong đó, lĩnh vực du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đang được nhiều người quan tâm nhất.

Theo bà Trương Thị Lan Hương, Phó Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt, thành viên thực hiện Đề tài “Đánh giá tiềm năng và nghiên cứu mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tỉnh Đắk Nông” thì Đắk Nông hiện đang được các nhà du lịch lữ hành, các công ty du lịch rất chú ý. Trong đó, mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đang được thử nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng là một ví dụ.

KBTTN Tà Đùng rộng trên 20.338 ha, nơi đây chứa đựng nhiều điều kỳ thú, hấp dẫn dưới tán rừng mà độ che phủ lên đến 85%. Theo chân những kiểm lâm vui tính, du khách có thể nghiên cứu vùng địa lý sinh học giao thoa giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực miền Đông Nam bộ gồm 1.406 loài thực vật và 574 loài động vật. Trong đó, nhiều loài có tên trong danh lục đỏ của thế giới. Bên cạnh đó, xung quanh Khu bảo tồn hiện có một số bon làng người Mạ, K’ho, M’nông,… còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc.

Hiện trên mặt hồ có 47 đảo lớn nhỏ, cảnh quan và tuyến đường mòn ven suối, hồ, rừng, núi cảnh đẹp và yên tĩnh du khách có thể thực hiện những chuyến đi bộ 1 đến 2 giờ hoặc 2 ngày 1 đêm ngủ trong rừng với hình thức cắm trại. Bên cạnh đó, du khách có thể thực hiện các chuyến du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa người Mạ cùng với các hoạt động dệt thổ cẩm, làm rượu cần, các dụng cụ lao động… Cùng với đó, du khách được thưởng thức các món ăn từ rau rừng, cá suối, cá hồ.

ADQuảng cáo

Hay như tài nguyên du lịch sinh thái tại thác Liêng Nung (theo tiếng địa phương thì Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi). Khu vực thác đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái với diện tích rộng 127 ha, xung quanh thác là bon làng của đồng bào dân tộc Mạ sinh sống. Mặc dù, cuộc sống của người Mạ đã có những thay đổi, tuy nhiên phong tục tập quán vẫn mang dáng dấp hoang sơ. Tuy nhiên, qua các chương trình du lịch trải nghiệm, nhiều chuyên gia ngành du lịch cho rằng, cộng đồng nơi đây vẫn chưa có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là làm du lịch.

Bên cạnh các địa điểm kể trên, tỉnh còn có các khu du lịch khác như: Khu du lịch văn hóa, sinh thái cụm thác D’ray Sáp – Gia Long, thác Đắk G’lun, thác Lưu Ly, thác Đắk Búk Sor, tương lai còn có hệ thống hang động núi lửa tại Buôn Choáh, huyện Krông Nô… là tiềm năng để ngành du lịch dựa vào cộng đồng của Đắk Nông phát triển.

Cần đào tạo đội ngũ làm du lịch tại địa phương

Cũng theo bà Trương Thị Lan Hương, dựa vào khảo sát tại cộng đồng dân tộc người Mạ tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), hiện tại bon chưa hình thành đội ngũ phục vụ du khách đến tham quan khu vực thác Liêng Nung. Thỉnh thoảng có du khách đăng ký, bà con mới tập hợp dàn cồng chiêng, người nấu nướng đến phục vụ. Đây cũng là tình hình chung của hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ vì vậy con người đóng vai trò hết sức quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực tham gia vào du lịch sinh thái cộng đồng tại Đắk Nông hiện chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Vì vậy, cần phải có một chương trình đào tạo toàn diện với từng đối tượng tham gia như: nhân viên ngành du lịch, người dân địa phương tham gia các hoạt động du lịch, các nhà quản lý du lịch địa phương…

Để thực hiện được điều đó, trước hết, ngành quản lý du lịch, các cấp, ngành liên quan cần xác định các thành phần tham gia vào du lịch sinh thái cộng đồng tại từng địa phương, trong đó xác định rõ nhu cầu về nhân lực phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng cả về số lượng và chất lượng. Cần có những quy định quản lý cụ thể về nhân lực du lịch với các quy chuẩn nghề nghiệp, thái độ, kỹ năng phù hợp với từng lĩnh vực theo bộ tiêu chuẩn nghề chung của Việt Nam.

Đồng thời, ngành chuyên môn của tỉnh cần có chương trình đào tạo dài hạn đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ phục vụ tại các doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương và các thành phần khác bảo đảm việc cập nhật kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng loại công việc cụ thể. Tỉnh cần tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ với các tỉnh thành, các nước trong khu vực cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch ở các cơ sở đón tiếp và đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên địa phương, có như vậy mô hình du lịch dựa vào cộng đồng của Đắk Nông mới từng bước hình thành và phát triển được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đánh thức" tiềm năng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO