Thưởng thức món thịt khô gác bếp của đồng bào các dân tộc thiểu số

04/10/2019 09:28

Người Thái, Dao, Mông, Tày,… trên địa bàn tỉnh cùng có món thịt khô gác bếp (thịt khô) rất độc đáo bắt nguồn từ xa xưa.

ADQuảng cáo

Món thịt khô không chỉ là một trong những cách bảo quản thịt hữu hiệu mà trở thành đặc sản ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số. Món ăn phần nào nói lên được phong tục và đời sống sinh hoạt thường ngày của các dân tộc.

Đồng bào Dao ở xã Nâm N'Đir (Krông Nô) treo từng miếng thịt lợn để hun khói

Khi chưa có cách bảo quản thịt như ngày nay, đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng cách hun khói (xông khói). Các loại thịt thường dùng là thịt lợn, bò, trâu, nai… Sự khác biệt trong món thịt khô của các dân tộc thường ở công đoạn tẩm ướp.

Các gia vị sử dụng ướp thịt cho ra món ăn mang hương vị đặc trưng của mỗi dân tộc. Thường thì người Thái, Tày tẩm ướp cầu kì, sử dụng nhiều loại gia vị, thảo mộc từ rừng. Người Mông hay Dao lại có cách chế biến đơn giản hơn, giữ lại hương vị nguyên bản của nguyên liệu chính.

Phụ nữ Dao ở xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) dùng thịt hun khói chế biến thành các món ăn hằng ngày

Ngoài các loại lá, củ rừng và muối hạt, người Tày còn dùng rượu tẩm ướp thịt. Từng mảng thịt to được lọc ra, rửa sạch, để ráo nước rồi mới thái thành từng miếng dài. Sau khi thái miếng thì không rửa lại bằng nước nữa. Thịt thường sẽ teo sau quá trình hun khói nên các miếng thịt được cắt to, dài (chiều dài khoảng 20 – 30 cm, chiều rộng có thể từ 5 – 15 cm).

Sau khi sơ chế, tẩm ướp, thịt được xiên từng miếng vào thanh nứa rồi treo lên gác bếp. Bếp lửa đốt cháy liên tục từ 5 - 6 tiếng. Thịt treo trên bếp được hơi lửa, khói mà người Tày nấu ăn hằng ngày hun đến khi nào lớp bì vàng cháy lại, lớp mỡ trong suốt là có thể dùng ăn ngon. Sau khi thịt khô hẳn, người Tày còn gói thịt vào lá chuối khô và cất lên gác bếp để dùng dần.

ADQuảng cáo

Trong ngày hội, người Mông ở Đắk Glong dùng thịt lợn gác bếp cắt miếng nhỏ, tẩm ướp gia vị nướng sơ trên than hồng

Cư trú khu vực đồi núi cao, người Mông ưa thích những món ăn ấm nóng để xua bớt tiết trời sương giá bao quanh. Người Mông kể rằng, khi gia đình có việc quan trọng để mổ lợn, phần thịt dư thường được treo trên bếp hun khói. Những con lợn khỏe mạnh, thịt săn chắc, được thả rong trong rừng làm thịt khô là ngon nhất.

Với sức nóng của lửa thịt chín dần, thịt nạc chuyển sang màu đỏ, còn thịt mỡ chuyển dần sang trong suốt, ăn không hề ngán. Lúc này, thịt có thể ăn liền hoặc chế biến thành các món ăn khác nhau bằng cách luộc, nướng, xào cùng với các nguyên liệu khác…

Sản phẩm thịt khô gác bếp của người Thái ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) được giới thiệu trên các gian hàng sản phẩm thương mại

Bếp củi của các gia đình người Dao thường lúc nào cũng đỏ lửa. Những dải thịt khô treo trên bếp để được quanh năm. Lửa phải điều chỉnh thật khéo, không quá to, cũng không nhỏ quá. Miếng thịt được hun khô bên ngoài, bên trong vẫn còn hơi ướt, mềm thì ăn mới ngon.

Những khi có khách đến nhà, người Dao thường lấy nguyên miếng thịt khô nướng sơ trên than hồng. Đến khi dậy mùi thơm dùng chày đập cho hơi dập làm mềm thịt rồi xé sợi để làm mồi nhấm bên ly rượu đãi khách. Nhìn bên ngoài có vẻ thịt khô, cứng, tuy nhiên khi ăn thịt dậy mùi thơm và vẫn giữ được độ mềm, ngọt. Vào dịp tết, căn bếp của gia đình người dao nào cũng hầu như có một dãy thịt lợn gác bếp.

Với cách “xông khói” trên gác bếp đã làm cho những miếng thịt thơm ngon lạ lùng. Sau những giờ lao động vất vả, những người phụ nữ trở về gian bếp, dùng miếng thịt có sẵn chế biến thành những món ăn hấp dẫn cho bữa cơm gia đình. Ngày nay, thịt khô gác bếp trở thành món ăn đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc. Món ăn đặc sản này được nhiều hộ đồng bào thiểu số có tay nghề trên địa bàn tỉnh chế biến, sản xuất thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách.

ADQuảng cáo
Theo H’Mai
http://nhipsong360.baodaknong.org.vn/dak-nong-trong-toi/thuong-thuc-mon-thit-kho-gac-bep-cua-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-5381.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thưởng thức món thịt khô gác bếp của đồng bào các dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO