Xôi ngũ sắc - món ăn độc đáo của đồng bào Mường

H’Mai| 17/05/2019 09:46

Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường… Trong quá trình định canh định cư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, món ăn này được đồng bào các dân tộc mang theo, góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực đặc sắc nơi đây.

ADQuảng cáo

Cùng một nguyên liệu nhưng với cách chế biến và bí quyết khác nhau, mỗi dân tộc tạo nên món xôi ngũ sắc mang hương vị riêng, độc đáo không lẫn lộn được. Cúng tổ tiên hay ngày lễ, tết, khách quý đến nhà là dịp người Mường trên địa bàn tỉnh thường chế biến món xôi ngũ sắc.

Món xôi ngũ sắc của đồng bào Mường ở huyện Đắk Glong

Gọi là xôi ngũ sắc vì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Cách làm xôi mặc dù không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ. Người Mường có câu nói nổi tiếng: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới". Cách làm chín thức ăn bằng hơi nước được người Mường gọi là đồ. Người Mường đồ xôi bằng cuốp (một loại nồi gỗ). Cuốp là phần hông nồi làm bằng gỗ, có tác dụng giúp cho phần thực phẩm phía trên biếng (đế nồi) chín đều bằng hơi nước. Cuốp chủ yếu làm từ thân cây gạo, mít, nhội vì đặc tính gỗ mềm, dễ tạo hình, có mùi thơm tự nhiên, không độc hại.

Để làm ra được món xôi ngũ sắc thơm, dẻo, ngon, phụ nữ Mường cẩn thận từ khâu chọn nếp, nguyên liệu tạo màu đến việc đồ xôi. Gạo nếp được chọn là loại hạt to, trong, trồng trên nương. Công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cầu kỳ. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng được tạo từ các loại hoa, lá, củ trong tự nhiên. Thường dùng nhất vẫn là lá. Lá được chọn kỹ lưỡng, không quá non hay quá già, đun lấy nước màu.

Để tạo màu đỏ, người Mường dùng lá cây có tên lá nếp đỏ. Ngoài ra, phụ nữ Mường cũng dùng quả gấc chín làm màu xôi đỏ. Màu tím thì dùng lá nếp tím (lá nếp cẩm). Xôi màu vàng được tạo từ củ nghệ già giã nhỏ pha với nước ngâm gạo. Người Mường thường giã lá gừng hoặc lá dứa, vắt lấy nước cốt để tạo màu xanh cho xôi. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 1 đến 8 tiếng rồi vớt ra để ráo nước.

ADQuảng cáo

Lá nếp cẩm - một trong những loại lá dùng để tạo màu cho món xôi ngũ sắc

Gạo ráo nước sẽ được đồ trong cuốp. Có thể nấu riêng từng màu hoặc cho lần lượt các màu theo thứ tự tím - xanh - đỏ - vàng và trên cùng là màu trắng. Mỗi màu gạo cách nhau bởi một lớp lá chuối hoặc tấm tre đan. Quá trình nấu phải canh lửa đều, đượm than. Nhờ đó xôi chín bằng hơi, mềm dẻo, cầm nắm mà vẫn không bị dính tay.

Tùy vào màu nước và thời gian ngâm gạo mà khi chín, màu xôi sẽ đậm nhạt khác nhau. Màu của các loại lá, củ không những tạo sự bắt mắt mà còn tăng thêm mùi thơm, hương vị đặc biệt cho từng loại xôi. Các màu trắng, xanh, tím, đỏ, vàng của xôi tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mỗi màu sắc cũng mang ý nghĩa riêng, là cách nhìn nhận về thế giới xung quanh và khát vọng cuộc sống của người Mường.

Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng vươn lên. Xôi màu tím tượng trưng cho sự trù phú của Trái đất. Xôi màu vàng tượng cho sự ấm no. Xôi màu xanh tượng trưng màu sắc núi rừng. Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung. Tổng hòa món xôi ngũ sắc là khát vọng, mong muốn sự trọn vẹn, no đủ và đầm ấm, hạnh phúc.

Người Mường dùng món xôi ngũ sắc dâng cúng tổ tiên, thần linh để bày tỏ lòng tôn kính và cảm tạ trời đất đã ban cho mùa màng bội thu. Xôi ngũ sắc không chỉ ngon, bắt mắt mà còn chứa đựng những vị thuốc dân gian được đúc kết từ bao đời. Theo kinh nghiệm của người Mường cho rằng, các loại lá, củ tạo màu xôi còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho đường ruột, bồi bổ sức khỏe.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xôi ngũ sắc - món ăn độc đáo của đồng bào Mường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO