Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu về hạ tầng điện

28/04/2017 11:02

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI đề ra mục tiêu, đến năm 2020, toàn tỉnh có 100% thôn, bon, buôn và 99% hộ dân được sử dụng điện. Để làm rõ hơn về nguồn lực, giải pháp..., phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Huy Thành, TUV, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Công thương.

Đóng điện tại Trạm trung áp ở thôn Đắk K’rung, xã Quảng Tân (Tuy Đức)

PV: Để thực hiện chỉ tiêu về hạ tầng điện theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết XI Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, Đảng bộ Sở Công thương đã triển khai những phần việc gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Huy Thành: Sau khi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh được thông qua, cùng với việc triển khai học tập, quán triệt nghiêm túc, Đảng bộ Sở Công thương đã tập trung xây dựng chương trình hành động và lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan.

Hằng năm, tùy vào tình hình thực tế, Đảng ủy đã xây dựng và ban hành chương trình hành động riêng. Trên cơ sở đó, Sở cũng đã chỉ đạo Phòng Quản lý điện năng - đơn vị trực tiếp phụ trách lĩnh vực điện rà soát, đánh giá lại hiện trạng cũng như hiệu quả của các dự án, chương trình đầu tư trên địa bàn sau một năm. Từ đó chủ động trong việc phối hợp, tham mưu, đôn đốc các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai những dự án, chương trình tiếp theo.

Cùng với đó, Sở cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các ngành chức năng nắm bắt kịp thời những biến động về dân cư, địa bàn để sớm đề xuất, tham mưu cho tỉnh trong việc mở rộng, phát triển hệ thống lưới điện…

Theo đó, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã triển khai và hoàn thành 17 công trình do Công ty Điện lực Đắk Nông làm chủ đầu tư, với quy mô khối lượng gồm: 24,12 km đường dây trung áp; 128,23 km đường dây hạ áp; 257 trạm biến áp, với tổng dung lượng 29.142 kVA.

Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án điện nông thôn miền Trung cũng đã đầu tư và hoàn thành 2 công trình khác, với quy mô 45,53 km đường dây trung áp; 7,36 km đường dây hạ áp; 18 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.560 kVA…  Nhờ đó, đến cuối năm 2016, tỷ lệ số thôn, bon, buôn có điện trên địa bàn tỉnh đạt 99% và tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 96%.

PV: Được biết, năm 2017, toàn tỉnh sẽ phấn đấu tăng thêm 1% tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện. Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về khả năng đạt được kế hoạch này?

Đồng chí Bùi Huy Thành: Để đạt được chỉ tiêu trên, ngay từ đầu năm, Đảng ủy Sở đã lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch, nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư và cùng với các ngành, địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về các thủ tục liên quan cũng như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, ngoài các công trình do ngành Điện trực tiếp đầu tư, trên địa bàn tỉnh còn đang triển khai Dự án điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014-2020.

Với các công trình do ngành điện đầu tư, trong năm 2017, ngoài 6 công trình đầu tư, cải tạo lưới, trên địa bàn tỉnh đang triển khai tiểu dự án giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện tỉnh Đắk Nông từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Tiểu dự án có tổng vốn đầu tư là hơn 88 tỷ đồng, được triển khai tại địa bàn 14 xã, thị trấn và 1 phường của 6 huyện, thị xã.

Quy mô của dự án gồm có hơn 52,5 km đường dây trung áp; 86,7 km đường dây hạ áp và 16 trạm biến áp. Mục tiêu của tiểu dự án là vừa xây dựng mới và cải tạo hệ thống lưới điện, góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện, củng cố độ tin cậy và an toàn cung cấp điện…

Dự án được chính thức phát lệnh khởi công từ tháng 11/2016, hiện nay, đơn vị thi công đang triển khai xây lắp đường dây và trạm biến áp trên địa bàn các huyện, thị xã. Sau khi tiểu dự án hoàn thành, gần 800 hộ dân thuộc 4 thôn “trắng” điện còn lại của tỉnh gồm thôn 11, 12 của xã Quảng Hòa (Đắk Glong) và thôn Phú Hòa, Phú Vinh của xã Quảng Phú (Krông Nô) sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Dự án điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014-2020 cũng đã và đang được triển khai. Trong đầu năm 2017, dự án đã và đang thực hiện thi công cấp điện cho hơn 400 hộ dân thuộc 5 thôn, bon của xã Quảng Tân (Tuy Đức). Ngoài ra, dự án đang chuẩn bị các điều kiện liên quan để triển khai thi công, cấp điện cho gần 230 hộ dân của thôn 5 và 6, xã Đắk R’măng (Đắk Glong).

Như vậy, sau khi các dự án, công trình hoàn thành, kế hoạch tăng thêm 1% số hộ dân được sử dụng điện (tương ứng với gần 1.400 hộ dân) trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 khả năng sẽ đạt được. Đây được xem là tiền đề giúp địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và  nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

PV: Dự án điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014-2020 được tỉnh kỳ vọng rất lớn trong việc nâng cao tỷ lệ số thôn, bon, buôn và số hộ dân được sử dụng điện vào năm 2020. Vậy đồng chí có thể cho biết rõ hơn về lộ trình cũng như việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho chương trình này?

Đồng chí Bùi Huy Thành: Dự án điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014-2020 có quy mô, gồm: 175 trạm biến áp phân phối, 261 km đường dây trung áp và hơn 562 km đường dây hạ áp. Dự án sẽ cấp điện cho 182 thôn, bon của 56 xã trên địa bàn. Sau khi kết thúc dự án, 100% số thôn, bon và hầu hết hộ dân nông thôn của tỉnh Đắk Nông sẽ được sử dụng điện.

Theo kế hoạch vốn, dự án có tổng mức đầu tư là 711 tỷ đồng; trong đó, vốn Ngân sách Trung ương chiếm 85%, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, do nguồn vốn đầu tư rất hạn hẹp nên việc phân bổ vốn hàng năm cho việc triển khai dự án đạt rất thấp. Theo đó, trong năm 2015 và 2016, nguồn vốn ngân sách nhà nước mới phân bổ được 25 tỷ đồng và năm 2017 tiếp tục phân bổ thêm 15 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn phân bổ đã được 40 tỷ đồng để triển khai cấp điện cho 7 thôn, bon trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến, trong năm 2018, ngân sách nhà nước sẽ phân bổ thêm 41 tỷ đồng để triển khai thi công, đóng điện cho 18 thôn, bon, bản của các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức và Đắk Glong. Phần vốn còn lại là tương đối lớn nên hiện nay, Bộ Công thương đang triển khai hoàn tất các bộ thủ tục liên quan để tiến hành đàm phán vay vốn từ các nhà tài trợ. Sau khi nguồn vốn được phân bổ sẽ bổ sung vào kế hoạch triển khai tiếp theo của dự án.

PV: Ngoài việc bố trí nguồn vốn, theo đồng chí, trong quá trình thực hiện còn cần huy động thêm nguồn lực, giải pháp nào để đạt được kết quả cao nhất về hạ tầng điện theo tinh thần của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI?

Đồng chí Bùi Huy Thành: Có thể nói, việc triển khai thực hiện mục tiêu về hạ tầng điện không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn mà một phần nữa là tốc độ phát triển của dân cư. Bởi vì, thời gian qua, việc phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh phần lớn là đang chạy theo tốc độ phát triển của dân cư, nhất là dân di cư tự do. Vì vậy, để đạt được chỉ tiêu đã đề ra, thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan trong việc bố trí, sắp xếp lại dân cư ở khu vực vùng sâu, vùng xa để giảm thiểu chi phí đầu tư, thuận tiện cho việc triển khai thực hiện các dự án; đồng thời, chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các dự án về điện với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

Một vấn đề nữa đó là trong quá trình triển khai các dự án sẽ không tránh khỏi những phát sinh về đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tuyên truyền, vận động, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả triển khai cho các dự án đầu tư. Đảng bộ Sở Công thương cũng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát để không chỉ hệ thống lưới điện được mở rộng phát triển, mà còn phải bảo đảm về chất lượng phục vụ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn…

PV: Xin cảm ơn ông!

Có điện, bà con chúng tôi rất vui mừng

Ông Hồ Như Quân, thôn Đắk K’rung, xã Quảng Tân (Tuy Đức)

Trước kia, do chưa có điện lưới nên gia đình tôi thường sử dụng thủy điện cực nhỏ để thắp sáng. Tuy nhiên, sử dụng nguồn điện này thường rất nguy hiểm do những bất lợi về thời tiết. Hơn nữa, vì điện tự sản xuất được chạy điện bằng dây trần nên mỗi khi mưa gió, việc đi lại và sử dụng thường không được an toàn.

Đầu năm 2017, Dự án điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014-2020 được triển khai thi công cấp điện trên địa bàn nên gia đình tôi đã có điện để dùng. Có điện, bà con chúng tôi rất vui mừng vì đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, trong đó cái quan trọng hơn cả là các vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được sử dụng, giúp gia đình rút ngắn được thời gian gieo trồng, chăm sóc và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

Tuyên truyền để người dân nắm quy định về bảo đảm khoảng cách an toàn lưới điện

Ông Đặng Thanh Nhẫn, Phó Giám đốc Điện lực Đắk R’lấp

Sau khi đóng điện xong các công trình điện do ngành đầu tư cũng như Dự án điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, bước đầu tiên, ngành Điện đã gửi thông báo tới chính quyền địa phương để tuyên truyền đến bà con về công tác sử dụng điện an toàn. Sau đó, ngành sẽ làm các bước cụ thể như các hộ nào chưa nắm rõ hoặc những khu vực nào bà con chưa hiểu rõ về công tác an toàn điện, đơn vị sẽ gửi thông báo trực tiếp hoặc phát tờ rơi đến từng hộ. Đặc biệt, ngành sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để để bảo đảm trong quá trình sử dụng điện cũng như trồng cây cối sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu về hạ tầng điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO