Đắk Nia đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thanh Nga| 27/04/2018 11:05

Từ năm 2017 đến nay, xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Chương trình số 10 của Thị ủy Gia Nghĩa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 16 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đoàn công tác của Tỉnh ủy và Thị ủy Gia Nghĩa tham quan mô hình trồng cam, quýt ứng dụng CNC của gia đình ông Phan Duy Lam ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia

Hiệu quả từ các mô hình

Đắk Nia là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống còn nhiều khó khăn. Vì thế, khi các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC bước đầu mang lại kinh tế cao đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Đắk Nia đã tập hợp nông dân tham gia hợp tác xã để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Năm 2017, Hợp tác xã Đắk Tân được thành lập và đến nay đã thu hút 32 xã viên tham gia sản xuất theo hướng ứng dụng CNC với hơn 200 ha rau, củ quả.

Ông Lê Văn Lục, Giám đốc HTX Đắk Tân cho biết: "Hiện nay, HTX sản xuất củ cải, cà chua, dưa leo, cà tím, bắp cải và ớt chỉ thiên. Hàng tháng, HTX phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho xã viên và nông dân để áp dụng vào thực tế sản xuất. Hiện nay, toàn bộ diện tích đều được sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương bằng điều khiển tự động. Hệ thống tự động đo độ ẩm, nhu cầu phân bón, lượng nước và tưới cho vườn cây. Rau, củ, quả được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. HTX cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho xã viên".

Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi hecta doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi từ 500 – 800 triệu đồng. Từ hiệu quả này, hiện nay HTX đang liên kết với nông dân các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Krông Nô mở rộng sản xuất.

Tương tự, nhiều hộ dân ở trên địa bàn xã cũng đã ứng dụng CNC vào sản xuất. Điển hình như gia đình ông Phan Duy Lam ở thôn Phú Xuân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật cao để trồng cam, quýt. Hiện nay, gia đình ông Lam đang trồng 7 ha cam, quýt, ra quả quanh năm, năng suất đạt từ 30-40 tấn/ha.

Ông Lam cho biết: "Qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các nhà vườn ở miền Đông Nam bộ cho thấy bộ rễ cần “không gian” thoáng nên không nên đào hố sâu, họ thường đắp mô đất lên rồi mới trồng cây để thoát nước. Do đặc trưng địa hình ở mình đồi dốc nên đối với vườn cam, quýt của gia đình, tôi không đào hố mà trồng cạn trên đất. Toàn bộ diện tích cam, quýt được sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước vừa hiệu quả cao".

Nói về bí quyết cho cây ra trái quanh năm, ông Lam chia sẻ: "Trong quá trình trồng, tôi đã nghiên cứu và sử dụng kỹ thuật ức chế để vườn cây cho ra quả thành công mỗi năm 2 đợt. Trong vườn, tôi chia ra từng khu vực và điều chỉnh luân phiên nhau nên luôn có quả bán quanh năm. Việc này giúp cho gia đình có thu nhập ổn định, chủ động nhân công và bảo đảm cung ứng sản phẩm thường xuyên cho bạn hàng. Bên cạnh điều kiện thời tiết, đất đai thuận lợi cho cây có múi phát triển, tôi cũng chăm sóc, bón phân phù hợp để quả có vị ngọt đậm đà, được khách hàng ưa chuộng. Năm nay, tôi đang tiếp tục thí điểm áp dụng kỹ thuật để điều chỉnh mỗi cây một năm cho ra quả từ 3-4 đợt".

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan mô hình trồng cam, quýt ứng dụng CNC của gia đình ông Phan Duy Lam ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia

Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất ứng dụng CNC

Theo ông Đoàn Huy Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nia, những năm gần đây, xã luôn khuyến khích nhân dân, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà xã có thế mạnh, chủ đạo như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái… và tạo ra sản phẩm sạch có thương hiệu, hướng tới xuất khẩu. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở địa phương đã tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cũng như nâng cao điều kiện sống, chất lượng sống của nhân dân. Hiện nay, ngoài HTX Đắk Tân và 14 mô hình của các nông dân, trang trại thì xã đã thành lập thêm 1 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Mô hình sản xuất cà chua ứng dụng CNC của HTX Đắk Tân, xã Đắk Nia

Tuy nhiên, một bộ phận nông dân vẫn chưa nhận thức rõ được ý nghĩa của việc tạo lập chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mức hỗ trợ cho nông dân tham gia vào mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC còn thấp. Vì vậy, xã đang nghiên cứu và có đề xuất với thị xã tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng CNC để khuyến khích nhân dân tham gia sản xuất. Các cấp chính quyền tăng cường liên kết với các đơn vị nâng cao chất lượng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tuyên truyền cũng như hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi theo các quy trình tiêu chuẩn, không sử dụng các chất cấm, kháng sinh cấm, nguyên liệu không bảo đảm, để tạo ra các sản phẩm sạch, có chất lượng tốt và giá trị cao. Các cơ sở sản xuất, cung ứng vật tư nông, lâm nghiệp, cơ sở giết mổ tuân thủ các quy định của pháp luật. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch bệnh động vật và an toàn vệ sinh thú y.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nia đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO