Ai về Nam Dong nghe câu quan họ...

Lê Phước| 31/12/2019 09:20

Mỗi dịp hội hè hay tết đến xuân về, những liền anh, liền chị ở Nam Dong (Cư Jút) lại cất lên làn quan họ ngọt ngào, da diết như đưa chúng ta về với vùng quê Kinh Bắc.

ADQuảng cáo

"Mang" quan họ lên Tây Nguyên

Chúng tôi về Nam Dong vào tối một ngày cuối tuần. Giữa mùa thu hoạch cà phê, nên không khí tại nhà của gia đình ông Phạm Văn Tích, ở thôn Trung Tâm, xã Nam Dong, cũng bận rộn hơn. Trong ngôi nhà gỗ 3 gian, gần 20 thành viên đang chuẩn bị trang phục, nhạc cụ để chuẩn bị cho buổi hát quan họ.

Liền anh, liền chị ở Nam Dong tự sắm cho mình trang phục truyền thống

Bên chiếc bàn nhỏ, bà Nguyễn Thị Chúc, ở thôn 9, xã Nam Dong, đang tranh thủ soi gương trang điểm. Người phụ nữ này năm nay đã bước sang tuổi 64, bà quê gốc ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Hơn 20 năm trước, gia đình bà là những người đầu tiên ở Bắc Ninh đến Nam Dong lập nghiệp. Những ngày đầu trên quê hương mới còn nhiều khó khăn, nỗi nhớ quê của những người con Kinh Bắc như bà lại trỗi dậy mạnh mẽ.

“Ngày đi làm vất vả lắm nhưng cứ cuối tuần là chúng tôi lại quây quần với nhau. Giữa núi rừng hiu quạnh, chẳng có điện đóm nên nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn trở nên da diết hơn. Chúng tôi nói chuyện rồi nghe những bài hát quan họ của quê hương cho đỡ nhớ. Rồi chúng tôi tập luyến láy, hát theo. Thói quen sinh hoạt quan họ của chúng tôi từ đó mà hình thành và tồn tại suốt từ đó tới nay”, bà Chúc tâm sự.

Các liền anh, liền chị say sưa cất lên những giai điệu quan họ ngọt ngào trong các dịp sinh hoạt văn nghệ tại địa phương

Cũng rời quê hương Bắc Ninh vào Nam Dong lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông Đỗ Văn Đông, cũng đam mê quan họ không kém. Trong ký ức của ông Đông, làn điệu quen thuộc ấy đã ăn sâu vào tiềm thức từ thuở nằm trong nôi đến tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng. Xa quê, ông vẫn cùng những người đồng hương ở gần nhau ôn lại những câu hát ấy trong mỗi dịp hội hè, lễ tết.

Theo chia sẻ của ông Đông, những làn điệu quan họ, đặc biệt là những làn điệu cổ muốn giữ cái gốc thì đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó như: vang, rền, nảy… Một số làn điệu cổ của quê hương khá khó, nhiều câu ông phải nghe đi nghe lại, luyến láy mãi mới hát được.

"Chúng tôi hay khoe nhau mỗi lần tập được những câu khó rồi hướng dẫn cho nhau cùng tiến bộ. Già rồi mà cứ như trẻ con vậy đó !", ông Đông thổ lộ.

Chung niềm đam mê, những con người ở vùng quê Kinh Bắc gom góp tiền của, sưu tầm nhạc cụ, trang phục để biểu diễn trong những đêm sinh hoạt văn nghệ. Ban đầu, họ sưu tầm được những nhạc cụ như đàn bầu, sáo trúc, cổ phách… Rồi điều kiện kinh tế dần khá giả hơn, họ tìm về tận quê hương để đặt mua trang phục truyền thống. Dần dà ai cũng có trang phục đầy đủ. Nam thì áo tứ thân, khăn xếp... Nữ thì áo the, khăn mỏ quạ, nón quai thao… Mỗi đêm sinh hoạt văn nghệ, họ đều chỉn chu trang phục trước khi bước lên sân khấu, hát vang những làn điệu quê hương một cách thực sự nghiêm túc.

ADQuảng cáo

Liền chị duyên dáng mời trầu

“Gặp quê hương trên mọi quê hương”

Trong đêm có mặt, chúng tôi được nghe nhiều làn điệu quan họ của liền anh, liền chị ở Nam Dong. Những giai điệu quen thuộc trong những bài hát như: Khách đến chơi nhà, Mười nhớ, Vào chùa… được các "nghệ sĩ" lớn tuổi thể hiện. Tiếng đàn, tiếng hát thân thương thực sự đã tái hiện một cách sinh động nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Kinh Bắc.

“Đã là người của quê hương quan họ thì đi đâu cũng gắn với những làn điệu thân thương ấy. Bản thân chúng tôi rất tự tin khi khoác lên mình trang phục truyền thống và cất vang hát những bài hát của quê hương”, ông Đỗ Văn Đông tự hào.

Câu lạc bộ Đàn hát dân ca xã Nam Dong hiện có 32 thành viên, trong đó có khoảng 20 thành viên có thể tham gia đàn, hát. Ngoài quan họ, câu lạc bộ còn có thể biểu diễn hát chèo, hát ví dặm và một số làn điệu, bài hát đặc sắc của đồng bào phía Bắc.

Từ niềm đam mê theo kiểu tự phát, quan họ đã xuất hiện nhiều hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Dong. Ông Phạm Văn Tích, Chủ nhiệm câu lạc bộ Dân ca quan họ Nam Dong phấn khởi kể: Lúc đầu, các thành viên trong CLB còn dè dặt, chủ yếu hát quan họ trong những đêm sinh hoạt hoặc dịp vui của gia đình. Những năm gần đây, câu lạc bộ đã nổi tiếng hơn nên thường xuyên được mời diễn trong các dịp lễ cưới, những ngày vui của họ hàng, thôn xóm. Trong các dịp biểu diễn văn nghệ quần chúng tại xã, huyện, tỉnh, các tiểu phẩm quan họ của câu lạc bộ gây được ấn tượng mạnh và đạt được nhiều thành tích cao. Đây là niềm động viên, khích lệ tinh thần rất lớn để các thành viên tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

Điều mà các liền anh, liền chị ở Nam Dong vui nhất là những làn điệu của quê hương đã ươm được mầm giống trong trái tim con cháu họ. Bà Nguyễn Thị Chúc, phấn khởi: "Trong 3 người con của gia đình tôi thì đứa con gái thứ hai, hiện đang làm giáo viên rất thích quan họ. Bản thân cháu  biết rất nhiều bài hát và cũng thường xuyên tập luyện những làn điệu quan họ Bắc Ninh. Còn đứa cháu nội năm nay lên 6 tuổi cũng mê quan họ như bà. Cháu nó lớn lên bằng những lời ru quan họ nên nhỏ tí mà bà đi hát ở đâu cũng đòi đi theo. Tôi rất hy vọng những giai điệu của vùng quê Kinh Bắc sẽ được mãi lưu truyền nơi đây".

Dàn nhạc không chuyên tự sắm nhạc cụ để phục vụ những làn điệu quan họ

Chúng tôi chia tay Nam Dong khi trời đã khuya và hẹn ngày sẽ trở lại. Những liền anh, liền chị tặng chúng tôi những câu hát thân thương trong bài hát “Người ơi người ở đừng về”. Những câu hát mượt mà, thân thương của những người năm nay đã trên 50 - 60 tuổi vẫn ngọt ngào như thuở thanh niên. Cuộc sống mưu sinh đưa những người vùng quê Kinh Bắc đến vùng đất Đắk Nông. Và họ mang theo lời ca, tiếng hát của mình tô điểm thêm bản sắc văn hóa quê hương mới. Trên cao nguyên lộng gió, những giai điệu ấy cũng làm cho những người xa quê và xem Đắk Nông là quê hương thứ hai như chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

Những khuôn mặt rạng ngời, hiếu khách của họ khiến ai cũng cảm thấy mình như trở thành một phần rất thân thuộc. Trong giây phút đầy cảm xúc ấy, chúng tôi bỗng nhớ đến câu hát trong bài hát nổi tiếng “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” của nhạc sĩ Vũ Thiết (phổ thơ Hữu Chỉnh): “Ai xui ta gặp mình giữa cao nguyên lộng gió. Mà gặp quê hương trên mọi quê hương”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai về Nam Dong nghe câu quan họ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO