Người đứng đầu phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương để Nhân dân học tập

Hoàng Hoài| 21/11/2019 09:52

Phát huy vai trò nêu gương để tạo sự đồng thuận, niềm tin trong Nhân dân là cách mà những người đứng đầu ở thôn 7, xã Kiến Thành (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã và đang triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả nổi bật.

ADQuảng cáo

Tiên phong trong phát triển kinh tế

Qua chia sẻ của những người đứng đầu của thôn 7 như bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn thì phát triển kinh tế gia đình là cái mà người dân nhìn thấy hằng ngày đối với mỗi cán bộ. Nếu cán bộ đi vận động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhưng gia đình mình mãi chỉ “giẫm chân tại chỗ”, không khấm khá thì nói không ai nghe, làm không ai tin. Vì vậy, từ bí thư, trưởng thôn cho đến trưởng ban công tác mặt trận thôn đều luôn nhắc nhở bản thân, cần phải tiên phong vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, bởi khi mình làm tốt tự khắc bà con sẽ làm theo.

Dù đã gần 70 tuổi, nhưng ông Khẩn vẫn luôn tích cực trong phát triển kinh tế để nêu gương cho người dân noi theo

Với tư duy đó, cho dù năm nay gần 70 tuổi nhưng ông Phan Ngọc Khẩn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn vẫn luôn kiên trì bám ruộng, bám vườn. Với ông Khẩn, lao động là cách đến gần hơn với dân. Bởi chính từ lao động, kiên trì, chịu khó, không ỷ lại của ông, bà con ngày càng cảm phục, tin tưởng. Hơn nữa, ông nghĩ làm việc gì cũng phải có lòng nhân ái, kinh tế khá giả đồng nghĩa với việc có thêm điều kiện giúp nhiều hộ gia đình trong thôn. Điển hình, ông đã cho hộ nghèo vay trên 100 triệu đồng, tặng quà cho gia đình nghèo dịp lễ tết, giúp đỡ trẻ khó khăn tiếp tục đến trường và tích cực tham gia việc thôn xóm...

Ông Khẩn cho biết: “Cái mà bà con cần nhất đó là hiệu quả thực tế mang lại chứ không phải lời nó suông. Do đó, tôi luôn nỗ lực, cố gắng trong lao động sản xuất để lời nói của mình có tính thuyết phục. Điều tôi vui nhất đó là từ việc làm của mình, nhiều hộ gia đình đã có thêm động lực vươn lên thoát nghèo”.

Dù việc thôn bận, nhưng ông Cần vẫn tranh thủ mọi thời gian còn lại để chăm sóc cây trồng, nâng cao thu nhập

Tương tự, ông Mai Đức Cần, Trưởng thôn cũng tâm niệm, nói mười không bằng làm một, phải nói đi đôi với làm để dân tin tưởng và một khi dân tin thì việc gì dân cũng ủng hộ, đồng thuận. Để vận động người dân chăm lo làm ăn, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương, ông Cần và gia đình luôn chú trọng chăm sóc cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm tính bền vững. Khi vườn cà phê của gia đình già cỗi, kém năng suất, ông đã mạnh dạn đầu tư tái canh và mang lại năng suất cao hơn. Từ việc làm đó của ông, đến nay, toàn thôn đã có gần 50 ha cà phê được tái canh, trong đó phần lớn là người dân tự bỏ chi phí để cải tạo vườn cà phê già cỗi.

Một số hộ dân cũng từ bỏ được thói quen được chăng hay chớ, phụ thuộc để đầu tư cây, con giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích đất. Bên cạnh đó, với vai trò trưởng thôn, ông Cần thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế bằng cách phát huy nội lực bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước để vươn lên. Nhờ đó, đến nay, toàn thôn có 185 hộ thì chỉ còn 2 hộ nghèo.

Ông Khẩn và ông Cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, động viên nhau tiếp tục cố gắng sản xuất để bà con noi theo

Nói hay, nói đúng và phải gắn với hành động thực tế

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Chi bộ thôn 7 tâm sự, ban đầu chuyện làm đường bê tông nông thôn không đơn giản chỉ họp dân là xong vì có người hiểu, người không hiểu. Vì vậy, những người đứng đầu thôn đều phải phân tích, chỉ ra cho người dân thấy được những lợi ích khi làm đường theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời, ông cũng tiên phong đóng góp trước với số tiền nhiều hơn, dần dần bà con mới tin và đồng thuận. Điển hình như việc làm tuyến đường bê tông của xóm 3, mặc dù họp dân đã thống nhất, mỗi hộ đóng 8 triệu đồng, nhưng ông Thiện đã đóng hơn 20 triệu đồng. Trước sự quyết tâm của ông, bà con nằm dọc tuyến đường đã lần lượt đóng góp đầy đủ. Từ khi con đường được đưa vào sử dụng, bà con ai cũng vui vẻ, phấn khởi, cuộc sống hứa hẹn có nhiều khởi sắc.

ADQuảng cáo

Chúng tôi hay nói đùa, người đứng đầu một thôn thôi, nhưng trăm công ngàn việc. Trong khi đó, công tác vận động dân, ngoài nói hay, nói đúng, nói trọng điểm thì cần phải gắn với hành động thực tế. Nếu nói không làm thì dân không tin, làm không đến nơi đến chốn dân không phục. Mà phải làm với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, để làm sao thu phục được lòng dân. Hơn nữa việc gì liên quan đến dân thì cần phát huy được tính dân chủ, phải để dân tham gia bàn bạc, thảo luận, thống nhất mọi vấn đề thì khi triển khai thực tế mới mang lại hiệu quả. Cũng từ đó, chúng tôi học cách lắng nghe dân, nghe dân nói, nói dân tin, làm dân theo. Nhờ đó, trong việc làm đường bê tông này, làm đến đâu dân phấn khởi, ca ngợi đến đó, không có ai dị nghị hay đàm tiếu lời ra tiếng vào. Cán bộ thôn như tôi cũng mở cờ trong bụng vì làm được việc có ích cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Kiến Thành, Đắk R’lấp

Đóng hơn một chút để gánh cho bà con

Dù hội trường thôn sửa chữa chỉ hết khoảng 45 triệu đồng thôi, nhưng câu chuyện để người dân đồng lòng đóng góp cũng không đơn giản. Trước khi họp toàn dân, những người đứng đầu thôn như ông Thiện, ông Cần, ông Khẩn đã phải chuẩn bị rất kỹ càng, lên kế hoạch, dự trù kinh phí chi tiết, cụ thể để làm sao khi nói dân dễ hiểu và mức đóng góp phải phù hợp với từng đối tượng. Sau khi bàn bạc, các ông đi đến thống nhất, cán bộ, đảng viên thì đóng nhiều hơn một chút và phải đóng trước, còn người dân đóng ít hơn. Tất nhiên, mức đóng được thảo luận dân chủ tại các cuộc họp thôn.

Con đường bê tông xóm 3 được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu buôn bán của người dân

Theo đó, mỗi gia đình đảng viên đóng góp 300.000 đồng, số còn lại đóng góp 200.000 đồng. Sau khi dân thống nhất, ông Khẩn tự nguyện đóng góp 1,5 triệu đồng; ông Cần và ông Thiện mỗi hộ 1 triệu đồng. Khi được hỏi sao không đóng theo mức đã thống nhất, các ông liền nói, mình dù sao cuộc sống cũng ổn định, đóng hơn một chút đồng nghĩa với việc đỡ được cho bà con một ít...

Với sự gương mẫu, tiên phong của những người đứng đầu thôn, đến nay, việc sửa chữa hội trường thôn cơ bản hoàn tất. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con được ngồi họp trong chính căn phòng có sự đóng góp công sức của mình.

Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo

Thực hiện Quy định 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị và Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu của thôn 7 luôn phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương.  Theo đó, hàng tháng, Chi bộ thôn đã quán triệt tới tất cả cán bộ, đảng viên trong thôn về sự cần thiết phải nêu gương ở tất cả lĩnh vực, từ lời ăn tiếng nói, quan hệ hàng ngày với dân cho đến phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Việc huy động người dân tham gia giám sát việc làm của cán bộ, đảng viên cũng được chú trọng.

Do đó, khi cán bộ, đảng viên nào ứng xử, lời ăn tiếng nói với dân chưa chuẩn mực thì ngay lập tức, người dân sẽ gọi điện phản ánh cho người đứng đầu thôn để kịp thời chấn chỉnh. Hay trong huy động dân đóng góp xây dựng địa phương, cán bộ, đảng viên đều gương mẫu làm trước và làm nhiều hơn để người dân học tập. Nhờ đó, bà con trong thôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị của thôn.

Con đường bê tông xóm 3 được đưa vào sử dụng, trong đó ông Thiện (ở giữa) đóng vai trò quan trọng

Với sự đoàn kết, thống nhất từ cấp ủy, chính quyền cho đến người dân, thôn 7 đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, nhiều năm liền được công nhận là thôn văn hóa. Chi bộ thôn 7 được tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đứng đầu phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương để Nhân dân học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO