Gỡ khó cho tuyển sinh THPT (kỳ 2): Nâng cao hiệu quả của công tác phân luồng học sinh

Thanh Hằng| 16/08/2022 09:54

Từ thực tế số lượng hồ sơ xét tuyển tăng đột biến, nhiều trường đã xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh để tạo điều kiện cho thí sinh có năng lực trúng tuyển. Tuy nhiên, về lâu dài, để hạn chế tình trạng “trượt” lớp 10, ảnh hưởng tới tâm lý của phụ huynh và học sinh, thì công tác phân luồng học sinh phải được thực hiện hiệu quả.

ADQuảng cáo

Giải pháp tình thế cho thế hệ "heo vàng"

Theo thầy Lê Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong (Đắk Glong), trên địa bàn huyện có 2 trường THPT và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Hàng năm, 3 cơ sở giáo dục này cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, năm nay số lượng hồ sơ tăng hơn năm trước, dẫn đến áp lực tuyển sinh cho các trường.

“Nếu như ở một số địa phương, khi học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT thì có thể vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, tại Đắk Glong, trung tâm này lại không có chức năng dạy văn hóa nên các em muốn học tiếp thì phải tìm đến các huyện, thành phố khác. Như vậy, rất khó khăn cho các em. Căn cứ vào tình hình thực tế, sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1, nhà trường đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT, đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh, từ đó xét tuyển thêm 54 học sinh. Số học sinh không trúng tuyển đợt 2, nhà trường tư vấn để các em chuyển sang học nghề hoặc xét tuyển vào các cơ sở giáo dục khác”, thầy Hà nói.

Theo thầy Lê Văn Hà (bên phải), năm nay nhà trường xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 lên 54 em

Theo lãnh đạo các trường THPT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều học sinh “trượt cấp 3” là do năm nay số lượng hồ sơ xét tuyển tăng vọt, tỷ lệ cạnh tranh cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh được UBND tỉnh phê duyệt từ năm học trước.

Còn theo thầy Vương Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Cư Jút) thì những năm học trước, nhà trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, nhưng năm học 2022-2023, số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường lại vượt chỉ tiêu. Đây là năm học có thế hệ “heo vàng” theo học (trẻ sinh năm 2007) nên tình trạng thừa hồ sơ xét tuyển xảy ra ở hầu hết các địa phương.

“Theo nhận định, có thể số lượng hồ sơ xét tuyển tăng chỉ xảy ra trong năm học này nên nhà trường đã xin ý kiến, tiếp nhận hết học sinh trên địa bàn tuyển sinh nhưng không tăng số lớp. Tuy nhiên, đối với trường dôi dư nhiều hồ sơ xét tuyển, việc tuyển hay không tuyển các em sẽ là một vấn đề nan giải”, thầy Trung cho biết thêm.

Nâng cao chất lượng hướng nghiệp

Không được như Trường THPT Phan Bội Châu, Trường THPT Đắk Song (Đắk Song) có hơn 70 hồ sơ không trúng tuyển nhưng lại không thể xin bổ sung chỉ tiêu vì còn liên quan đến số lượng giáo viên, phòng học.

ADQuảng cáo

“Theo đề án tuyển sinh và tình hình cơ sở vật chất, giáo viên của trường thì số lượng trúng tuyển vào lớp 10 đợt vừa qua “kịch khung”. Việc 70 học sinh không may mắn vào trường thì sẽ xét tuyển vào 2 trường THPT khác trên địa bàn huyện (nếu có nhu cầu), thế nhưng điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các em và cả phụ huynh”, thầy Phạm Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Song nhận định.

Hội nghị đánh giá công tác giáo dục hướng nghiệp do Sở LĐTB-XH tổ chức, cho rằng công tác phân luồng học sinh vẫn chưa mang lại hiệu quả cao

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đang triển khai thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1094/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông về “Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Trong đó, 70% học sinh sẽ được định hướng học tiếp bậc THPT, 30% được định hướng học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề để phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả từ công tác này vẫn chưa cao.

Nhìn nhận thực tế số lượng học sinh “trượt” lớp 10 vẫn còn cao, một hiệu trưởng trường THPT nêu quan điểm, ngoài gia tăng cơ học do trẻ sinh năm 2007 nhiều hơn mọi năm thì công tác định hướng, phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ở cấp THCS vẫn chưa đạt hiệu quả cao, cộng với suy nghĩ cố hữu “phải học THPT” của nhiều phụ huynh, học sinh.

“Nhà trường, nhất là giáo viên phải theo dõi, nắm bắt tình hình học tập của các em, từ đó đưa ra những định hướng phù hợp để các em lựa chọn một nơi học phù hợp. Có thể các em phù hợp với học nghề, học theo mô hình “9+” nhưng vì thấy bạn bè vào học THPT nên cũng muốn học theo. Điều đó vừa gây áp lực cho công tác tuyển sinh của các trường THPT, vừa gây cản trở trong việc định hướng tương lai, nghề nghiệp của chính các em”, vị lãnh đạo trường THPT bày tỏ suy nghĩ.

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, qua thống kê, rà soát, năm học 2021-2022, có hơn 10.000 học sinh hoàn thành bậc THCS. Theo đề án tuyển sinh thì 70% học sinh trong số này sẽ được định hướng học tiếp bậc học THPT, tuy nhiên, UBND tỉnh đã phê duyệt tuyển sinh khoảng 8.000 em để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh tại các trường THPT đã hoàn tất, những em không trúng tuyển, được tư vấn để học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.

Đồ họa: Thanh Hằng

“Để thực hiện tốt đề án phân luồng học sinh, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cho phụ huynh và hướng nghiệp cho học sinh tại THCS. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp rất cao và những em trưởng thành từ môi trường này đều có cơ hội việc làm”, ông Hải cho hay.

Ngoài ra, ngày 2/8 vừa qua, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi phòng GD-ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị giáo dục trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Trong đó, Sở GĐ-ĐT đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp, đồng thời động viên, khuyến khích các em học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập có thể chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, trung cấp để theo học.

>> Kỳ 3: Trợ lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho tuyển sinh THPT (kỳ 2): Nâng cao hiệu quả của công tác phân luồng học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO