Gỡ khó cho tuyển sinh THPT (kỳ 3): Cần trợ lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thanh Hằng| 17/08/2022 09:23

Năm học 2022 - 2023, công tác tuyển sinh tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực, từ đó cho thấy rằng, THPT không phải là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh, cũng như tạo điều kiện cho các em trong quá trình học, cần thêm những chính sách trợ lực đối với hình thức đào tạo này.

ADQuảng cáo

Chưa được đầu tư đúng mức

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đắk Glong không đào tạo văn hóa, chính vì thế những học sinh không đậu các trường THPT trên địa bàn, nếu muốn đi học thì phải đến địa phương khác. Hiện trung tâm này còn đang hoạt động ở trụ sở tạm dù đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan liên quan đề xuất xây dựng trụ sở riêng.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong đang hoạt động tại trụ sở tạm

Ông Hoàng Huy Tùng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong cho biết: Theo đề án khi mới thành lập, Trung tâm có 2 chức năng là dạy văn hóa và dạy nghề. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ thiếu cơ sở để tổ chức dạy học, trung tâm còn không có giáo viên dạy văn hóa. Do đó, trong nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của Trung tâm gần như chỉ tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề ngắn hạn.

Không riêng huyện Đắk Glong, theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH, một trong những nguyên nhân khiến học sinh “chưa thực sự quan tâm” tới giáo dục nghề nghiệp chính là điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo nghề theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập. Trong khi đó, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, hầu hết phụ thuộc vào nguồn Trung ương hỗ trợ.

Đội ngũ giáo viên chưa đủ về số lượng và chất lượng. Hiện nay, hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa có giáo viên cơ hữu, chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng; chưa được bố trí kinh phí cho giáo viên đi nghiên cứu khoa học hoặc được chuyển giao về khoa học, kỹ thuật hiện đại... Đây là nguyên nhân chính khiến cho kết quả hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX chưa nổi bật.

Nhiều học sinh đã thay đổi xu hướng chọn trường khi "không tìm mọi cách để học THPT"

Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách

Tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ nhiều cơ chế, chính sách từ Trung ương về đào tạo nghề. Trong đó, học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở, khi tham gia học tập tiếp tại các trung tâm GDNN-GDTX sẽ được hỗ trợ 100% học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, địa phương cũng có những chính sách, quy định đặc thù nhằm hỗ trợ đào tạo nghề; định hướng phân luồng để đào tạo từng bước gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Cụ thể, ngày 28/10/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ ngày 1/11/2021 cho đến hết ngày 31/12/2025, tỉnh Đắk Nông sẽ sử dụng ngân sách Nhà nước, hỗ trợ học phí và tiền ăn cho tất cả học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh học tập trung chính quy (kể cả liên kết đào tạo, liên thông) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, học sinh lựa chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hỗ trợ học phí, tiền ăn hàng tháng

Tuy nhiên, hiện nay Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh chỉ là áp dụng cho học sinh học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, không áp dụng cho các cơ sở ngoài công lập. Đây cũng là “nút thắt” đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong xu thế xã hội hóa giáo dục.

“Thực chất của các chính sách, đối tượng thụ hưởng là người học, không phải là cơ sở đào tạo nên việc nghị quyết chỉ hỗ trợ cho học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập là thiếu công bằng với học sinh ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nếu thực hiện được ở cả 2 loại hình công lập và ngoài công lập không những giúp học sinh có thêm lựa chọn phù hợp với bản thân mà còn buộc các cơ sở giáo dục phải nỗ lực, đổi mới, nâng cao năng lực chuyên môn để thu hút người học…”, một lãnh đạo ngành Giáo dục nêu quan điểm.

Trong khi đó, thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”.

Theo nội dung kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS và 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% và 35% vào năm 2025. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, học sinh chọn vào học tại các trung tâm GDNN-GDTX vẫn rất hạn chế.

Cần có những chính sách, trợ lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy Đức cho rằng, để thực hiện hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh, mỗi năm học cần phân bổ chỉ tiêu rõ ràng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tránh tình trạng học sinh đã nộp hồ sơ vào trung tâm sau đó lại rút hồ sơ ra để nộp lại vào các trường THPT như năm nay.

Bên cạnh đó, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung chưa được đầu tư tương xứng như các trường THPT. Trong đó, vấn đề thiếu giáo viên, thiếu sự kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp vẫn là rào cản trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục này.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đã có buổi làm việc với Sở LĐTB-XH. Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng kích hoạt mạnh hơn công tác đào tạo nghề cho người lao động; đồng thời, tổng hợp số lao động trên địa bàn và nắm bắt nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp để có giải pháp cân đối thị trường lao động tại địa phương.

"Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực cho vấn đề giáo dục và đào tạo nghề", Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh tại buổi làm việc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho tuyển sinh THPT (kỳ 3): Cần trợ lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO