Năm học mới và bài toán thiếu giáo viên

Nguyễn Hiền| 06/09/2021 08:31

Tình trạng thiếu giáo viên là một trong những khó khăn nhất của ngành Giáo dục nhiều năm gần đây. Việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai chương trình dạy học, thực sự là bài toán nan giải khi bước vào năm học mới.

ADQuảng cáo

Thiếu trên 930 người

Theo Sở GD-ĐT, để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và quy mô gia tăng số học sinh trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần được bổ sung 938 người để tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2021-2022. Trong đó, bậc mầm non cần 237 người; bậc tiểu học cần 403 người; bậc THCS cần 220 người và bậc THPT cần 78 người. Các địa phương có số lượng giáo viên thiếu nhiều là Đắk Glong, Gia Nghĩa, Tuy Đức...

Do ảnh hưởng dịch bệnh, các lớp phải chia ca học 

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Toàn, việc thiếu giáo viên do nhiều nguyên nhân như quy mô học sinh tăng nhanh hàng năm, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa như Đắk Glong; biên chế giáo viên hàng năm không được bổ sung tương ứng. Những năm trước, mặc dù được bổ sung một lượng biên chế nhất định nhưng chỉ mới giải quyết được một số ít. Trong khi giáo viên thiếu chưa được bổ sung tương ứng, cộng dồn nhiều năm lại nên số lượng càng lớn hơn.

Đã quyết liệt khắc phục

Cũng theo ông Toàn, mặc dù ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp như dồn lớp; chuyển biên chế các vị trí việc làm khác sang giáo viên; điều chuyển giáo viên nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu dạy học. Hệ quả kéo theo là số tiền "dạy kê, dạy gác" hàng năm tăng lên và hiện tại nhiều địa phương vẫn còn nợ giáo viên.

Nhiều địa phương hiện nay chỉ ưu tiên tuyển trẻ 5 - 6 tuổi đến trường và dạy học cả ngày. Tùy theo nhu cầu cơ sở vật chất và giáo viên, trẻ 3 - 4 tuổi mới được đến trường nhưng chỉ áp dụng học 1 buổi/ngày. Số lượng trẻ dưới 3 tuổi chưa được đến trường nếu rà soát kỹ cũng không ít.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hường, số lượng giáo viên thiếu trên 930 người này đã rà soát sau khi tỉnh áp dụng các biện pháp để khắc phục. Tỉnh đã rất quyết liệt trong việc khắc phục thiếu giáo viên, một số giải pháp đã được triển khai hiệu quả.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, một số giải pháp vẫn rất khó để triển khai. Điển hình như huyện Cư Jút mặc dù thừa giáo viên nhưng sau khi rà soát để điều chuyển thì các huyện thiếu lại không có nhu cầu biên chế các bộ môn này. Hay như nhiều giáo viên có gia đình ổn định, điều chuyển đi một huyện khác xa cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Đồ họa: Việt Dũng

Phối hợp chặt chẽ hơn nữa

Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT,  cùng với ghi nhận những nỗ lực trong việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, thiếu giáo viên vẫn đang là vấn đề chung của toàn xã hội. Trong khi chờ Chính phủ có hướng giải quyết phù hợp, tỉnh Đắk Nông cần phát huy hơn nữa nội lực để khắc phục, bảo đảm nhu cầu học tập của con em. Để triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả, các đơn vị, địa phương liên quan phải phối hợp thật chặt chẽ hơn nữa.

Điển hình như huyện Đắk Glong, Chủ tịch UBND huyện, nhất là Trưởng Phòng GD-ĐT huyện phải đề cao trách nhiệm, phối hợp với hiệu trưởng các trường nắm chắc thực trạng giáo viên hiện nay, năng lực bằng cấp thế nào và vị trí địa lý, khoảng cách giữa các trường, các cấp học để điều chuyển giáo viên phù hợp, khéo léo. Sở GD-ĐT phải tổng hợp và hướng dẫn cách vận hành để các huyện, thành phố, biết cách làm hay về chuyên môn và  thực hiện điều chuyển tốt hơn.

Do thiếu giáo viên nên không đáp ứng đủ để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 

Liên quan đến tình trạng "dạy kê, dạy gác" dẫn đến “nợ” hàng tỷ đồng hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, ngành Giáo dục, các huyện, thành phố cần dự toán ngay để nắm nhu cầu cần "dạy kê, dạy gác" thời gian tới là bao nhiêu, trình HĐND trước, chứ không phải triển khai dạy xong mới trình xin chủ trương thì rất khó để xử lý. Điều này dẫn đến số nợ dạy kê dạy gác do thiếu giáo viên sẽ càng khó khăn hơn.

Riêng về vấn đề khắc phục thiếu biên chế, Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau rà soát, tính toán, không để tình trạng mỗi đơn vị rà soát một kiểu, làm mất nhiều thời gian. Các đơn vị liên quan cố gắng làm sao sắp xếp được một giáo viên kiêm thêm nhiều việc để chia sẻ khó khăn hiện nay, nhưng phải trên cơ sở chi trả đủ kinh phí hỗ trợ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học mới và bài toán thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO