Nan giải bài toán dạy kê, dạy gác ở Ðắk Glong

Ngọc Dũng| 01/11/2022 10:10

Thiếu giáo viên, phải dạy kê, dạy gác, tuy nhiên nguồn kinh phí chi trả đối với huyện Đắk Glong là bài toán nan giải.

ADQuảng cáo

Ngưng hỗ trợ từ năm học 2022 - 2023

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, riêng trong năm học 2021-2022, số tiền dạy kê, dạy gác của toàn huyện phải chi trả là hơn 11 tỷ đồng.

Tại Phiên họp thứ 20 mới đây của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình và được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chi hỗ trợ Đắk Glong 4 tỷ đồng để chi trả tiền dạy kê, dạy gác cho giáo viên trong năm học 2021-2023. Tuy nhiên, đây là năm cuối cùng HĐND tỉnh chấp thuận thông qua việc hỗ trợ dạy kê, dạy gác của huyện Đắk Glong, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Việc đề xuất hỗ trợ chi trả dạy kê, dạy gác của huyện Đắk Glong là bài toán không mới. Năm ngoái đã đề xuất hỗ trợ, năm nay lại tiếp tục, nghĩa là không có giải pháp căn cơ, cụ thể. Trên diễn đàn các kỳ họp HĐND tỉnh đều có ý kiến về vấn đề này nhưng cho đến giờ này chúng ta vẫn chưa làm được. UBND tỉnh phải xác định được nơi nào thiếu giáo viên và thiếu chính xác bao nhiêu. Trong phân bổ biên chế phải hài hòa, phù hợp. Nếu năm nay không giải quyết cho căn cơ, sang năm lại tiếp tục lặp lại những vấn đề bất cập trong dạy kê, dạy gác”.

Tiết học của thầy và trò Trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Quảng Hòa (Đắk Glong)

Cũng theo đồng chí Lưu Văn Trung gợi ý, hằng năm các huyện, thành phố đều có giáo viên nghỉ hưu. Thay vì điều chuyển nhiều giáo viên từ huyện này sang huyện khác, các địa phương có giáo viên nghỉ hưu nên ưu tiên bố trí chỉ tiêu biên chế này cho các huyện khó khăn như Đắk Glong.

Khó tuyển giáo viên

ADQuảng cáo

Mặc dù được HÐND tỉnh phê duyệt chủ trương hỗ trợ 4 tỷ/11,4 tỷ đồng nhưng số kinh phí còn lại hơn 7 tỷ đồng vẫn là bài toán chưa tìm ra nguồn chi trả cho giáo viên của Ðắk Glong.

Bà Đinh Thị Hằng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong cho biết, năm học 2022-2023, toàn huyện có 38 cơ sở giáo dục, với gần 20 ngàn học sinh các cấp. Theo quy định và nhu cầu thực tế, năm học 2022-2023, toàn huyện thiếu khoảng 204 giáo viên các cấp, gồm: bậc mầm non thiếu 96 giáo viên, bậc tiểu học và THCS thiếu 108 giáo viên.

Thiếu giáo viên, huyện Đắk Glong phải tổ chức dạy kê, dạy gác

Trong năm 2021, UBND huyện triển khai tuyển dụng 42 biên chế, nhưng chỉ tuyển dụng được 33 biên chế giáo viên đáp ứng nhu cầu. Năm 2022, Đắk Glong còn 70 biên chế được giao (cả cũ và mới) nhưng đến nay chưa tuyển dụng được giáo viên. UBND huyện tạm thời giao số lượng biên chế này về các trường để chủ động hợp đồng giáo viên theo quy định nên cũng giảm bớt được phần nào số tiền dạy kê, dạy gác của năm học 2022-2023. Tuy nhiên, việc tuyển được giáo viên hợp đồng đạt yêu cầu theo quy định cũng là bài toán chưa có đáp án của huyện.

Với số lượng giáo viên hiện còn thiếu và chưa tuyển được hợp đồng, năm học 2022-2023, các nhà trường vẫn phải áp dụng biện pháp dạy kê, dạy gác.

Điều này làm cho bài toán chi trả dạy kê, dạy gác cho cả cũ và mới của địa phương đã khó càng khó hơn. Qua thống kê, riêng trong tháng 9/2022, số tiền chi trả dạy kê, dạy gác đã lên đến 700 triệu đồng.

Để chủ động hơn, từ năm học 2022-2023, Phòng GD-ĐT huyện tiến hành kiểm tra, đối chiếu với số lượng giáo viên/số lớp hiện có ở các trường để duyệt số tiết dư giờ của các thầy, cô giáo ở các trường một cách chặt chẽ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải bài toán dạy kê, dạy gác ở Ðắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO