Ngành Giáo dục Ðắk Nông nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế

Nguyễn Hiền| 14/11/2022 09:05

Mặc dù xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn so với các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng với sự quan tâm đầu tư đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cộng với sự nỗ lực, ý chí quyết tâm cao của cán bộ giáo viên, học sinh, ngành Giáo dục Đắk Nông đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước khẳng định vị thế của mình.

ADQuảng cáo

Quy mô trường lớp, học sinh tăng

Những ngày đầu thành lập tỉnh, hầu hết trường lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa là phòng tạm, mượn và bán kiên cố. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em, nhiều chương trình, đề án đã được tỉnh triển khai, mang lại diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục như Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025...

Cụ thể, năm 2004 toàn tỉnh chỉ có 174 cơ sở giáo dục, quy mô trường lớp còn nhỏ, lẻ, với 3.315 lớp học, hơn 100 ngàn học sinh. Đến năm học 2022-2023, toàn tỉnh đã tăng 368 cơ sở giáo dục, quy mô 5.571 nhóm, lớp học, với 184.135 học sinh các cấp. Toàn tỉnh phát triển 42 cơ sở giáo dục ngoài công lập, phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh, góp phần giảm tải áp lực cho các trường công lập.

Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh ngày càng khẳng định vị thế của mình

Hệ thống trường học được bố trí tương đối hợp lý. Bình quân mỗi đơn vị cấp xã có hơn 1,8 trường mầm non, 1,7 trường tiểu học, hơn 1 trường THCS; mỗi đơn vị cấp huyện có 3,1 trường THPT, 1 trường PTDTNT và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đắk Nông đã hình thành, phát triển 1 Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh. Hệ thống các trường PTDTNT, dân tộc bán trú được củng cố và mở rộng ở tất cả các huyện, thành phố. Đặc biệt, số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia tăng hàng năm, đáp ứng nhu cầu nâng cao dạy và học một cách toàn diện của các nhà trường.

Đội ngũ nhà giáo “vừa hồng, vừa chuyên”

Cùng với việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục phát huy nội lực để xây dựng đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”. Trải qua chặng đường gần 20 năm phát triển, toàn ngành có 12.129 người; trong đó có 9.570 giáo viên. Đội ngũ giáo viên luôn phát huy tinh thần “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, tích cực áp dụng các phương pháp quản lý, dạy học mới.

Biểu đồ: Dương Phong

Hằng năm, ngành Giáo dục tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, toàn ngành có trên 6.200 cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ngày càng tăng. Toàn ngành có hơn 2.500 lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 14 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

Phong trào viết sáng kiến, ứng dụng khoa học sư phạm có trên 3.000 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy và quản lý.

Ghi nhận thành tích của cán bộ, giáo viên trong những năm qua, toàn ngành có 1 tập thể, 3 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng III; 9 tập thể, 17 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 26 đơn vị nhận Cờ thi đua Chính phủ; 24 Nhà giáo ưu tú; 165 tập thể, 627 cá nhân được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen; 28 tập thể nhận Cờ thi đua của Bộ, 673 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương; 231 tập thể, 1.918 cá nhân được UBND tỉnh Bằng khen, 654 tập thể công nhận tập thể lao động xuất sắc…

ADQuảng cáo

Trường mầm non Hoa Lan, xã biên giới Quảng Trực ngày càng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất

Xác định mục tiêu, bắt nhịp đổi mới

Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ được ngành Giáo dục chú trọng hằng năm. Đây là cơ sở để từng bước nâng cao chất lượng theo tinh thần đổi mới giáo dục toàn diện. Trong đó, toàn ngành ưu tiên đầu tư theo hình thức cuốn chiếu đối với các khối lớp áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, các tiết dạy học trở nên linh động, sáng tạo, giúp học sinh phát huy được tính tích cực, chủ động.

Đi đôi với đó, ngành Giáo dục đẩy mạnh thực hiện và thích ứng chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, giảng dạy. Riêng trong năm học 2021-2022, toàn ngành đã có 298 bài giảng tham gia đóng góp kho học liệu số.  Đến nay, số bài giảng điện tử, học liệu điện tử đã thu thập được trong ngành là 1.049 bài giảng và video; 100% các trường đều sử dụng phần mềm quản lý trường học… Năm học 2022-2023, toàn ngành phấn đấu đạt 50% số trường thực hiện việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt…

Giáo viên Trường mầm non Hoa Sen, phường Quảng Thành (Gia Nghĩa) chăm sóc trẻ

Tạo đà cho những mục tiêu phát triển mới

Với sự quan tâm đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn ngành không ngừng tăng lên. Mục tiêu phổ cập giáo dục được duy trì, tăng cường bền vững. Đắk Nông được công nhận phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Toàn tỉnh đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỷ lệ đậu tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 97,1%, đặc biệt 8/8 trường dân tộc nội trú đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn không ngừng tăng. Nếu năm học 2003-2004, toàn tỉnh chỉ có 5 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia thì năm học 2021-2022, toàn tỉnh có đến 18 học sinh giỏi quốc gia. Riêng Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, từ ngày thành lập trường (năm 2013) đến nay có hơn 500 học sinh giỏi cấp tỉnh, hơn 60 học sinh giỏi quốc gia.

Biểu đồ: Dương Phong

Với những kết quả đạt được, năm học 2022-2023, toàn ngành Giáo dục bước vào tâm thế và tinh thần "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Thầy Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng phương châm của toàn ngành là lấy “nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy cô giáo làm động lực” để thực hiện có hiệu quả đổi mới phương pháp theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm”, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được xem là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được ngành Giáo dục xác định là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc triển khai Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.  Ngành tiếp tục đa dạng các hình thức hỗ trợ, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa của quốc gia, toàn ngành sẽ tập trung các nguồn lực phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn để bảo đảm sự đồng đều về chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh và thực hiện chính sách dân tộc trong giáo dục”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục Ðắk Nông nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO