Nỗ lực "ngăn dòng" học sinh bỏ học

Nguyễn Hiền| 28/09/2022 08:37

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng học sinh bỏ học diễn ra phổ biến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Phần lớn bỏ học do kinh tế khó khăn

Thống kê của Sở GD-ĐT, trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 629/212.486 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,44%; trong đó, tiểu học 165 học sinh; THCS 387 học sinh; THPT 77 học sinh.

Số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học là 438 học sinh, chiếm tỷ lệ 0,87%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa các huyện, thành phố năm học 2021-2022 không đồng đều, trong đó huyện Đắk Glong là địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất với 168 học sinh.

Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là mục tiêu để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà

Tình trạng học sinh bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, bản thân học sinh thiếu động cơ, ý thức học tập, dẫn tới kết quả học yếu, kém, nên mặc cảm, tự ti với bạn, ngại đi học, chán học.

Riêng tỷ lệ học sinh cấp THCS bỏ học nhiều (chiếm 0,84%) do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi này có nhiều thay đổi, nhận thức chưa đầy đủ, gia đình không còn quan tâm sát sao như học sinh ở cấp Tiểu học.

Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh muốn con nghỉ học lao động phụ giúp gia đình; nhà xa trường; ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài... Ngoài ra, chương trình học ở một số môn học nặng nề, giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong công tác dạy học và giáo dục, không tạo được cảm hứng học ở học sinh… Cụ thể, trong số 629 học sinh bỏ học, có đến 10,18% do học lực yếu, kém; 32,9% do kinh tế gia đình khó khăn; 6,2% do dịch bệnh; 5,09% do nhà xa trường, đi lại khó khăn; 42,13% do các nguyên nhân khác…

ADQuảng cáo

Nhiều trường vùng sâu, vùng xa huy động nấu ăn bán trú cho học sinh để những em ở xa trường có điều kiện học tập

Một điều đáng quan tâm, tình trạng bỏ học do tảo hôn ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc diễn ra còn phổ biến.

Đồng bộ các giải pháp

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là mục tiêu quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, dân trí. Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã quán triệt tất cả các cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, học sinh về ý nghĩa, động cơ, trách nhiệm của việc học đối với lập thân, lập nghiệp tiếp tục tăng cường.

Giáo viên các trường chú trọng kèm học sinh có học lực yếu

Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng, góp phần kéo giảm tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém bỏ học.

Ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng, địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số.

Các cơ sở giáo dục phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tăng cường kiểm tra, duy trì sĩ số học sinh. Ngành tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; nâng cấp và xây dựng trường phổ thông theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực "ngăn dòng" học sinh bỏ học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO