Tiếng trống trường vang vọng núi rừng!

Thầy giáo Lý Văn Là| 04/02/2021 10:12

Với tấm lòng, sự nhiệt huyết, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, cô giáo Vàng Thị Chim và thầy giáo Lý Văn Là, giáo viên Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) đang ngày đêm lặng lẽ “gieo chữ”, mang ánh sáng tri thức đến với học sinh nơi vùng sâu, vùng xa.

ADQuảng cáo

Thương học sinh lắm!

Trong cái lạnh buốt khi ông mặt trời chưa ló rạng nơi vùng sâu xã Đắk R’măng, cô Vàng Thị Chim đã tranh thủ xem lại giáo án, thổi lửa bắc vội nồi cơm cho chồng và con ăn sáng. Đứa con chưa đầy 2 tuổi cũng thức dậy sớm cùng mẹ. Khi hai mẹ con chuẩn bị xong thì trời cũng dần hửng sáng.

Cô Chim đưa con đi gửi, rồi một mình trên chiếc xe máy cũ kỹ, vén màn sương, đi qua mấy triền núi để đến điểm trường. Điểm trường cách khu vực trung tâm xã 16 km nhưng vì đường gấp khúc, lúc lên dốc, lúc xuống đèo, có nơi sát vực thẳm, làm chặng đường đi dường như dài thêm.

Cô Chim kể, những ngày đầu đi dạy một mình cũng sợ lắm. Đường heo hút chỉ có cây rừng và mây mờ bao phủ, lâu lâu mới gặp một vài học trò đi bộ ra điểm chính để học. Nhiều lúc lên dốc cứ ngỡ mình đang lơ lửng triền núi. Lúc xuống dốc thì không kịp tránh "ổ gà, ổ trâu", phải len giữa rãnh sâu - vết tích những chiếc xe máy, xe tải để lại những ngày mưa để khỏi té ngã. Chạy xe lúc nào cũng gồng mình lên giữ thăng bằng để không bị trật đường và ngã xuống vực sâu. Hôm nào cô chở thêm con đi, hay chở các vật dụng như gạo, thức ăn nữa thì đi lâu hơn.

Để đến được điểm trường, cô giáo Chim phải dậy đi từ sáng sớm, vượt qua những đoạn đường rất khó khăn

Xen trong những câu chuyện vui, cô Chim chùng lại: “Thương học sinh trong này lắm, các em thiệt thòi rất nhiều. Có hôm đi được nửa đường, gặp mưa to, không thể đi tiếp xe máy vào điểm trường, tôi đành phải để xe ở rẫy đi bộ vào vì sợ học sinh phải đợi cô giáo. Lúc đi về thấy xe dựng gọn vào gốc cây, về sau mới biết là phụ huynh đi qua thấy xe cô giáo ngã nên dựng lại rất cẩn thận.

Cũng có hôm dạy xong thì chiều tối mưa tầm tã, con "ngựa sắt" lúc này cũng trở nên bất lực với con đường sình lầy. Tôi đành lội bộ hơn 5 km đường đất, rồi gọi người đón để kịp về với con nhỏ, sợ con khóc chờ mẹ”.

Cứ thế, từng ngày trôi qua, cô Chim cứ tất bật với học trò, với giáo án, với con nhỏ và với chặng đường khấp khểnh, bụi mù mùa nắng, lầy lội mùa mưa.

Học sinh phần lớn có hoàn cảnh khó khăn

Ở tuổi 27 nhưng nhìn khuôn mặt rám nắng, đôi tay không làm nương cũng chai sạn của cô Chim, với chiếc áo khoác sờn màu, mới thấy ở cô sự nhiệt huyết, bình dị và ấm áp vô cùng. Có lẽ đó cũng là điều mà mỗi học trò cảm nhận được nên rất ít em bỏ học giữa chừng.

Luôn nhủ lòng cố gắng hơn

Khác với cô Chim phải đi về hàng ngày, thầy giáo Lý Văn Là ở lại ngay điểm trường vì vợ con ở tận ngoài Bắc. Thầy chọn cho mình một phòng học trống để làm nơi tá túc, che tạm tấm vải làm rèm, trải thêm cái nệm mỏng để lam nơi tạm cư.

Riêng bàn làm việc, nơi được xem là sang nhất trong phòng vì được thầy Là chăm chút ngăn nắp và gọn gàng. Gia đình ở xa, con còn nhỏ, nhiều khi nhớ nhà, nhớ con nhỏ, thầy Là chỉ biết ngắm ảnh con, đôi mắt đỏ hoe...

ADQuảng cáo

Nhiều lúc cũng muốn nghỉ dạy vì sự xa xôi, cách trở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đến cả điện thoại nhiều khi cũng mất sóng, không liên lạc được. Những đêm mưa tầm tã mới thấy hết nỗi đơn côi, nhớ vợ con da diết. Nhưng sáng hôm sau đứng trên bục giảng, thấy những gương mặt ngây thơ, nhem nhuốc, ánh mắt tròn xoe chăm chú lời thầy dạy lại thấy chạnh lòng, thương học trò.

Ánh mắt các em cứ như gửi cả niềm hy vọng vào mình, nên lần nào cũng tự nhủ phải cố gắng hơn. Vì nếu mình không cố gắng, không đến lớp nữa thì những học trò nơi đây sẽ ra sao....

Thầy giáo Lý Văn Là

Chắt chiu từng "con chữ"

Dù điểm trường chỉ có hai lớp với 66 học sinh học nhưng giờ giấc rất nghiêm túc. Cả hai lớp tại điểm trường đều là lớp 1 nên cô Chim và thầy Là gặp rất nhiều khó khăn. Đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 nên càng trở nên khó khăn hơn với cả thầy và trò.

Cô Chim cho biết: “Đối với học sinh lớp 1 ở vùng sâu, vùng xa thế này thì chương trình giáo dục phổ thông mới có phần hơi nặng. Nặng vì phần lớn các em là dân tộc thiểu số, khả năng giao tiếp Tiếng Việt còn yếu, trong khi hầu hết hình ảnh trong sách giáo khoa lại rất mới, hiện đại mà học sinh không dễ tiếp thu.

Giáo viên phải mất nhiều thời gian hơn bình thường. Nhiều lúc cũng mệt vì giảng mãi các em vẫn lơ ngơ không hiểu. Thế nhưng, vì thế lại thấy thương các em và chắt chiu từng "con chữ", tận tình giảng giải để các em nắm được bài cơ bản”. 

Thầy giáo Lý Văn Là tận tình với từng em học sinh lớp 1

Trẻ con được đi học, ai cũng phấn khởi

Thầy Ly Seo Chá, Hiệu phó Trường tiểu học La Văn Cầu cho biết: “Năm học này trường thiếu rất nhiều giáo viên. Hiện trường đang có 7 giáo viên hợp đồng, trong đó cô Chim và thầy Là là hai người đã tình nguyện dạy ở điểm lẻ, nên mới mở được 2 lớp. So với những giáo viên khác, dạy điểm lẻ vất vả rất nhiều, lương cũng không cao nhưng các thầy cô giáo rất tâm huyết.

Tôi cũng rất mong các cấp sẽ nghiên cứu, có hình thức phù hợp để đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên đứng lớp đang thiếu hiện nay. Trong lúc khó khăn này, việc các thầy cô tình nguyện đứng lớp, giúp học sinh được đến trường là điều rất đáng được ghi nhận”.

Mỗi người một phương pháp nhưng ở cô Chim, thầy Là có một điểm chung là đều nhận được sự yêu quý, trân trọng của học sinh và phụ huynh. Chị Giàng Thị Hoa, người dân ở gần trường chia sẻ: “Bà con ở đây biết giáo viên vất vả, dạy học xa nên rất quý, nên có bó rau hay ký đậu, trái bắp đều mang biếu. Tôi thì không có con học ở trường nhưng hàng ngày vẫn nấu cơm trưa cho thầy cô cùng ăn.

Các thầy cô đã vì bọn nhỏ thì tôi cũng muốn góp chút sức mình, cứ có gì ăn đó, không phải đóng góp gì cả. Từ ngày có hai thầy cô, điểm trường không còn đóng cửa nữa, tiếng học sinh rộn ràng. Tiếng trống trường làm ấm cả núi rừng, trẻ con trong làng được đi học hết, ai cũng phấn khởi”.

Một buổi sớm theo chân cô Chim và thầy Là đến trường, chúng tôi mới thấm hiểu hết sự nhiệt tình, tâm huyết của người giáo viên nơi vùng hẻo lánh, khó khăn. Đi dọc đường, cô Chim vẫn tự nhắc mình: “Đi nhanh kẻo học sinh đợi!”.

Vào đến trường, sương vẫn còn trên mái ngói, tiết học bắt đầu khi ánh mặt trời dần ló rạng, lấp lánh những tia nắng đầu tiên. Tiếng đọc chữ, đánh vần vang vọng, phá tan cái tĩnh lặng nơi hun hút núi đồi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng trống trường vang vọng núi rừng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO