Vẫn nan giải bài toán thiếu giáo viên

Nguyễn Hiền| 20/12/2021 06:03

Thiếu giáo viên vẫn là một trong những nỗi lo, bài toán nan giải của ngành Giáo dục trong nhiều năm nay. Việc thiếu giáo viên ở các cấp học ảnh hưởng đến triển khai các hoạt động dạy và học.

ADQuảng cáo

Thừa thiếu cục bộ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, xét định mức cả tỉnh hiện thiếu 2.004 biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong bối cảnh không riêng gì Đắk Nông, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, nếu đề xuất Bộ Nội vụ xem xét giao bổ sung số lượng này thì quá lớn.

Vì vậy, căn cứ số lớp, số học sinh hiện có thực tế trên địa bàn, UBND tỉnh đã đề xuất giao bổ sung số lượng là 938 người. Trong đó, bậc mầm non có số lượng người cần xem xét bổ sung là 237 người; bậc tiểu học 403 người, bậc THCS 220 người và bậc THPT 78 người.

Mặc dù thiếu giáo viên nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện nội dung chương trình năm học nên các trường phải triển khai "dạy kê, dạy gác", gây khó khăn trong việc chi trả kinh phí.

Theo thống kê, hiện nay số tiền "dạy kê, dạy gác" chưa được thanh toán trong toàn tỉnh lên đến trên 67,8 tỷ đồng; trong đó, nhiều nhất là huyện Đắk Glong trên 17,6 tỷ đồng, huyện Tuy Đức, TP. Gia Nghĩa trên 10,7 tỷ đồng...

Việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng triển khai các hoạt động dạy và học. Những năm học tới, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp học, cấp học thì việc thiếu giáo viên lại càng trở thành vấn đề lo ngại, nhất là đối với các bộ môn Ngoại ngữ, Tin học ở cấp tiểu học.

ADQuảng cáo

Thế nhưng ngược lại, tình trạng thừa giáo viên cục bộ ở một số môn học vẫn xảy ra ở một số trường, địa phương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố chưa chủ động tham mưu thực hiện điều chuyển giáo viên ở các trường thừa cục bộ giáo viên ở một số môn học đến các trường còn thiếu giáo viên.

Bậc mầm non là bậc học thiếu giáo viên nhiều nhất

Triển khai các giải pháp

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, trước thực trạng khó khăn do thiếu giáo viên kéo dài, cùng với việc tham mưu Bộ Nội vụ xem xét bổ sung số lượng cần thiết, UBND tỉnh đã đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan triển khai các giải pháp khắc phục, được đánh giá là khả thi.

Cụ thể, ngành Giáo dục bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu công việc tại các đơn vị theo nguyên tắc bảo đảm số lượng tiết dạy/tuần đối với giáo viên, số giờ làm việc/ngày đối với nhân viên. UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động trong việc điều chuyển, phân công giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ.

Các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên thay thế kịp thời số lượng giáo viên thôi việc, nghỉ hưu, tinh giản biên chế và chuyển đổi công tác nhằm đáp ứng nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Các địa phương cập nhật tình hình và xu hướng kịp thời để xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp. Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng dự toán kinh phí dạy kê, dạy thêm hàng năm đối với số biên chế giáo viên còn thiếu theo quy định, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn nan giải bài toán thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO