Ðắk Glong nỗ lực xóa mù chữ

Ngọc Dũng| 17/10/2022 08:23

Với tỷ lệ người mù chữ còn cao, những năm qua, huyện Đắk Glong nỗ lực đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Tỷ lệ người mù chữ còn cao

Huyện  Đắk Glong có 7/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn hiện nay tương đối cao, chiếm 15,13% (khoảng trên 7.220 người) trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi.

Theo ông Lê Đại Thành, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người mù chữ trên địa bàn còn cao. Cụ thể, người dân là đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Mông ở rải rác vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, một bộ phận học sinh đi học từ nhà đến trường xa, trong khi giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên nhiều trường hợp ngại đến trường và bỏ học. Các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ, môi trường vui chơi, học tập cho học sinh còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình chuyển chỗ ở để làm kinh tế, gây khó khăn trong theo dõi, cập nhật, quản lý đối tượng phổ cập và vận động tham gia các lớp phổ thông, xóa mù chữ.

Trung tâm học tập cộng đồng và các trường học chưa phát huy tốt việc tuyên truyền, vận động người dân mù chữ đăng ký học. Đội ngũ giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả. Kinh phí còn hạn chế, nên khó khăn trong công tác mở các lớp xóa mù chữ.

Nhiều người lớn tuổi tham gia lớp học xóa mù chữ tại xã Đắk Ha (Đắk Glong)

ADQuảng cáo

Hạn chế học sinh bỏ học

Để nâng cao dân trí, địa phương tích cực vận động, tăng cường mở các lớp xóa mù chữ. Riêng năm 2022, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND huyện mở 17 lớp xóa mù chữ; trong đó có 7 lớp theo hình thức xã hội hóa. Các lớp học thu hút đông người dân tham gia, thậm chí cả những người cao tuổi. Phòng cũng đã rà soát, dự kiến số lớp, số học viên, kinh phí tổ chức dạy lớp xóa mù chữ từng năm và cả giai đoạn 2022-2025 để tham mưu UBND huyện có giải pháp thực hiện.

Cũng theo ông Thành, giải pháp dài hơi là địa phương tập trung thực hiện tốt công tác vận động học sinh đi học, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Trong đó, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, phòng chỉ đạo các trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để không chỉ phát triển năng lực mà còn tạo động lực để học sinh tích cực hơn trong học tập.

Các cơ sở giáo dục tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về huy động, giúp đỡ học sinh nghèo học tốt để giảm tình trạng bỏ học. Hằng năm, ngành Giáo dục tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục. Trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý phổ cập giáo dục của Bộ GD-ĐT để nâng cao trình độ, năng lực, nhất là quản lý, kỹ thuật nghiệp vụ trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Đi đôi với đó, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là trong xóa mù chữ để phát huy nguồn lực của toàn xã hội, cộng đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, xóa mù chữ tại các xã...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Glong nỗ lực xóa mù chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO