Bất cập mô hình VNEN (Kỳ 2): Học sinh chưa phù hợp vẫn thực hiện đại trà

Ngọc Dũng| 08/11/2016 10:31

Không chỉ cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu mà nhiều trường có đối tượng học sinh không phù hợp cũng triển khai mô hình Vnen một cách đại trà ở tất cả các khối lớp. Vì vậy, nhiều lớp có đông học sinh dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn trong việc dạy và học.

ADQuảng cáo

Hầu hết học sinh lớp 4 của cô giáo Hoa ở Trường tiểu học La Văn Cầu đều phải đánh vần mới đọc được tiếng Việt

Biết không phù hợp vẫn làm

Theo mô hình VNEN, các hoạt động trong giờ học phần lớn là do học sinh trong nhóm tự thảo luận dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Giáo viên có trách nhiệm theo dõi và hỗ trợ cho những nhóm, những em đưa “phao cứu trợ” khi chưa hiểu bài.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vì áp dụng một cách máy móc nên những lớp có đông học sinh dân tộc thiểu số đã bộc lộ nhiều hạn chế. Điều đáng nói, mặc dù biết đối tượng học sinh chưa phù hợp để áp dụng mô hình VNEN, nhưng một số trường vẫn triển khai một cách đại trà.

Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân ở xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) hiện áp dụng mô hình VNEN cho 13/17 lớp, với 342 em từ lớp 2 đến lớp 5. Trong đó, lớp học của cô Hoàng Thị Tâm Đoan có 26 học sinh đều là dân tộc thiểu số.

Cô Đoan cho biết: “Mặt bằng chung trong lớp là các em không thể tự nghiên cứu, đưa ra kết quả đúng và chốt ý được. Các hoạt động cá nhân của học sinh hầu như không phát huy được hiệu quả. Cô giáo phải hỗ trợ cho hầu như toàn bộ học sinh nên thời lượng cho các tiết học không đủ, phải lấn sang các tiết của môn học khác. Các em không thể nắm được hết những kiến thức cơ bản trong sách”.

Theo Hiệu trưởng Hoàng Hữu Sỹ, việc áp dụng mô hình VNEN ở trường chỉ phù hợp và đạt hiệu quả đối với khoảng 50% học sinh, còn lại chưa đạt được do có nhiều học sinh dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

“Tiên phong” áp dụng VNEN

Khi áp dụng mô hình VNEN, nhóm trưởng đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cả nhóm thảo luận và đưa ra kết quả cuối cùng trong các hoạt động. Tuy nhiên, vì hạn chế về năng lực nên nhiều em được chọn làm nhóm trưởng không phát huy được khả năng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các giờ học.

Điển hình như lớp học của cô giáo Hồ Thị Tố Hoa ở Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R'măng (Đắk Glong) có 29 học sinh đều là dân tộc thiểu số. Trong các tiết học, học sinh được chia thành 5 nhóm. Mặc dù là học sinh lớp 4 nhưng trong tiết học tiếng Việt, hầu hết học sinh đều phải đánh vần từng chữ mới đọc được.

Cô Hoa cho biết, hầu hết các em trong lớp là người Mông, vốn tiếng Việt còn rất hạn chế, cả lớp chỉ có khoảng 3- 4 em đọc bài khá hơn thì được chọn làm nhóm trưởng. Thế nhưng, qua chứng kiến, những em "đọc khá hơn" cũng vẫn phải đánh vần từng chữ và đọc một cách khó khăn. Theo cô Hoa, vì còn yếu tiếng Việt nên khi để các em hoạt động cá nhân và theo nhóm là rất khó. Không hiểu được yêu cầu và nội dung bài học nên các em thảo luận rất khó khăn. Bản thân những em làm nhóm trưởng cũng không đủ khả năng hiểu bài học nên cũng không thể hướng dẫn các bạn thảo luận. Giáo viên phải đi hỗ trợ, giảng cho từng em một nên mất rất nhiều thời gian. Mặc dù có kết hợp với phương pháp truyền thống nhưng hiệu quả đạt được trong các tiết học là không cao.

Theo Hiệu phó Ly Seo Chá, Trường tiểu học La Văn Cầu có 99% học sinh dân tộc thiểu số. Hiện tại, trường vẫn còn thiếu 5 phòng học nữa để có thể đáp ứng được nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 theo mô hình VNEN. Cùng với đó, trường cũng chưa có hệ thống điện chiếu sáng nên không thể áp dụng các tiết dạy bằng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục như mong muốn. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng trường vẫn cố gắng triển khai mô hình VNEN cho các khối lớp từ lớp 2 đến lớp 5.

Qua thống kê, toàn huyện Đắk Glong có 15 trường tiểu học với trên 8.300 học sinh; trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 40%. Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, hiện tại địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhưng được xem là một trong những huyện "tiên phong" áp dụng mô hình VNEN. Đến thời điểm này, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện đều học theo mô hình VNEN.

(Kỳ  3: Áp dụng có phần nóng vội)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập mô hình VNEN (Kỳ 2): Học sinh chưa phù hợp vẫn thực hiện đại trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO